10 tính năng mới đáng chú ý nhất trên iOS 17Ngày 18/9, người dùng iPhone XS trở lên được nâng cấp iOS 17 với nhiều tính năng mới như Standby, NameDrop hay Live Voicemail.

Apple đã đi từ một dự án của hai doanh nhân trẻ trở thành tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới. Được thành lập vào năm 1976, công ty đã trở thành biểu tượng của sự đổi mới và sang trọng trong thiết kế. Apple hiện là công ty lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa, với giá trị thị trường khoảng 2,8 nghìn tỷ USD.

Apple cũng được xếp hạng số một trong danh sách 500 thương hiệu mạnh nhất thế giới của World Brand Lab. Khoảng 165 nghìn nhân viên của tập đoàn tương tác với nhau, với các nhà cung cấp và với hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Năm 2022, công ty đã vượt ngưỡng 2 tỷ thiết bị đang hoạt động.

Kể từ năm 2011, công ty có giá trị nhất thế giới đã được điều hành bởi Giám đốc Tim Cook. Tim Cook tự hào về việc không giấu địa chỉ email của mình, địa chỉ mà bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy trên công cụ tìm kiếm. Khách hàng có thể trực tiếp nói với Giám đốc điều hành Apple những gì họ nghĩ về sản phẩm của Apple, đôi khi còn chia sẻ những câu chuyện từ chính cuộc sống của họ và thông tin này trở thành nguồn cảm hứng quan trọng cho lãnh đạo và nhân viên Apple.

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook.

Sau buổi tập thể dục buổi sáng, Tim Cook đến làm việc tại văn phòng Cupertino của Apple và dành cả ngày gặp gỡ các thành viên khác nhau trong nhóm để thảo luận về các sản phẩm, chiến lược và kế hoạch mới của công ty. Đôi khi ông sắp xếp các cuộc họp khi đang di chuyển, đi dạo quanh văn phòng. Ông cũng dành thời gian giao tiếp với các nhà đầu tư và đối tác để đảm bảo rằng công ty tiếp tục tăng trưởng và phát triển, tham dự nhiều sự kiện và hội nghị khác nhau, nơi ông đại diện cho Apple và giao tiếp với các nhà lãnh đạo khác trong ngành công nghệ. 

Nhấn mạnh vào tính bảo mật

Tất cả nhân viên của Apple được yêu cầu tuân thủ quy tắc bảo mật nghiêm ngặt liên quan đến việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới. Trong công ty, bầu không khí bảo mật được đảm bảo bởi một số quy tắc và quy định nhằm đảm bảo sản phẩm không được công chúng biết đến trước khi được giới thiệu chính thức.

Nhân viên chỉ nhận được thông tin đầy đủ về dự án của họ khi cần, điều này đôi khi có thể gây khó khăn cho việc phối hợp lẫn nhau vì họ không có cơ hội xin lời khuyên từ đồng nghiệp ở các nhóm khác. Nhưng quy định này giúp bảo vệ tài sản trí tuệ của Apple và duy trì lợi thế cạnh tranh của hãng. 

Tất cả nhân viên Apple đều phải ký thỏa thuận sở hữu trí tuệ; yêu cầu họ phải giữ bí mật thông tin kinh doanh của Apple, bao gồm sở hữu trí tuệ, kế hoạch kinh doanh bí mật, kế hoạch sản phẩm chưa được công bố, chiến lược bán hàng và tiếp thị cũng như các bí mật thương mại khác.

Giám đốc điều hành Apple Steve Jobs cầm chiếc iPad mới trong khi phát biểu tại một sự kiện đặc biệt của Apple năm 2010.

Brad, một trong những cựu thực tập sinh của Apple, từng nói với tạp chí Business Insider/Mỹ, đôi khi nhân viên thậm chí có thể không biết họ đang làm sản phẩm cụ thể nào. Văn hóa doanh nghiệp của Apple bí mật đến mức một số nhân viên không nhận ra họ đang làm việc liên quan đến chiếc máy tính bảng iPad đầu tiên cho đến khi người đồng sáng lập Apple, Steve Jobs tiết lộ nó tại một buổi thuyết trình. Chỉ sau khi sản phẩm được ra mắt, họ mới biết mình đã làm gì trong suốt hai năm.

Nơi làm việc bất khả xâm phạm

Trụ sở chính của công ty có tên là Apple Park và nằm ở Cupertino, California. Lối vào tòa nhà trụ sở trung tâm là một tòa nhà bốn tầng hình tròn, chỉ dành cho nhân viên công ty. Một số khách thăm quan có thể đến Trung tâm Hội nghị Apple Park – “Nhà hát Steve Jobs” – để tham dự lễ ra mắt sản phẩm hằng năm. Trung tâm phát triển nằm cạnh tòa nhà chính, cũng mở cửa cho du khách tham quan trong các sự kiện lớn. 

Nhà hát Steve Jobs.

Đối với những ai muốn tìm hiểu rõ hơn về trụ sở Apple, công ty đã xây dựng một khu vực đặc biệt dành cho du khách, được gọi là Trung tâm Du khách. Nó chứa một mô hình ba chiều của công ty, có thể được tương tác bằng cách sử dụng các công nghệ thực tế ảo tăng cường. Bất cứ ai cũng có thể tham gia một hành trình thực tế ảo khắp toàn bộ Apple Park.

Ngoài ra, còn có một cửa hàng trưng bày tất cả các sản phẩm của Apple cũng như những món quà lưu niệm độc quyền có biểu tượng của thương hiệu. Khách đến cửa hàng thậm chí có thể mua một chiếc áo phông có in dòng chữ “Tôi đã đến khuôn viên Apple và đó là tất cả những gì tôi có thể nói”.

Mức thù lao hậu hĩnh

Theo trang tin công nghệ The Verge/Mỹ, trong các cuộc phỏng vấn tại Apple, các ứng viên không được hỏi về lịch sử tiền lương cho công việc họ đang thi tuyển và mức lương mà nhà tuyển dụng Apple đưa ra dựa trên mức lương của nhân viên Apple ở các vị trí tương tự.

Hằng năm, công ty xem xét mức thù lao mà nhân viên nhận được và đảm bảo duy trì mức lương công bằng, bất kể giới tính, chủng tộc hay quốc tịch. Đặc biệt, Apple cung cấp cho nhân viên một gói trợ cấp xã hội tốt: bảo hiểm y tế, nghỉ thai sản, bồi dưỡng chi phí thể thao và đi lại, cũng như giảm giá cho các sản phẩm của công ty.

Theo tạp chí The Wall Street/Mỹ, lương nhân viên trung bình của Apple đã tăng 18% vào năm 2021 lên mức 68.000 USD. Đây là một trong những mức tăng lớn nhất so với các công ty khác của Mỹ trong danh sách S&P 500. Gói lương thưởng thông thường của Apple thường bao gồm lương cơ bản, cổ phiếu Apple và tiền thưởng.

Vào năm 2021, mức lương của Giám đốc điều hành Tim Cook đã vượt quá mức lương trung bình của nhân viên Apple tới 1.447 lần. Tổng cộng, ông đã nhận được gần 100 triệu USD. Đến năm 2022, Tim Cook nhận được khoản thù lao từ Apple là 99,4 triệu USD, bao gồm 3 triệu USD lương cơ bản, khoảng 83 triệu USD dưới dạng cổ phiếu và tiền thưởng của công ty.

Vào tháng 01/2023, Apple thông báo rằng Tim Cook đã tự nguyện yêu cầu giảm hơn 40% lương của mình, xuống còn 49 triệu USD vào năm 2023. Đầu tháng 6/2023, Forbes ước tính tài sản của ông vào khoảng 1,9 tỷ USD. Các lãnh đạo khác như Giám đốc tài chính Luca Maestri, cố vấn chung Kate Adams, Giám đốc bán lẻ Deirdre O’Brien và Giám đốc điều hành hoạt động Jeff Williams, mỗi người được trả 27 triệu USD vào năm 2022.

Doanh nghiệp có cấu trúc văn hóa khác biệt

Apple được tổ chức theo các tuyến chức năng chứ không phải theo các đơn vị kinh doanh, điều hiếm thấy đối với một công ty có quy mô như vậy. Các chuyên gia phần cứng lãnh đạo bộ phận phần cứng, các chuyên gia phần mềm lãnh đạo bộ phận phần mềm và dịch vụ, còn các chuyên gia thiết kế lãnh đạo bộ phận thiết kế.

Điều này giúp Apple khác biệt với hầu hết các công ty lớn khác, nơi các nhà quản lý cấp cao giám sát các nhà quản lý khác. Tại Apple, những người có chuyên môn cao nhất trong một lĩnh vực có quyền đưa ra quyết định trong lĩnh vực đó.

Nhân viên được yêu cầu duy trì các tiêu chuẩn cao về ứng xử chuyên nghiệp, bao gồm đối xử tôn trọng lẫn nhau, với khách hàng và đối tác. Họ cũng phải tránh xung đột lợi ích và những hành động có thể gây tổn hại đến danh tiếng của công ty.

Văn hóa doanh nghiệp của Apple dựa trên một số nguyên tắc: Chính trực – nhân viên phải thể hiện sự trung thực và tiêu chuẩn đạo đức cao trong mọi giao dịch kinh doanh; tôn trọng – nhân viên phải đối xử với khách hàng, đối tác, nhà cung cấp, đồng nghiệp và những người khác một cách tôn trọng và lịch sự; bảo mật – nhân viên phải bảo vệ thông tin bí mật của Apple và thông tin của khách hàng, đối tác, nhà cung cấp và nhân viên khác; tuân thủ – các quyết định kinh doanh phải tuân thủ luật pháp và quy định hiện hành.

Các quy định của công ty cho phép nhân viên Apple tự do phát biểu về mức lương, giờ làm và điều kiện làm việc của họ. “Một quan sát thú vị: khi bạn nói rằng bạn làm việc tại Apple, bạn không cần phải giải thích bất cứ điều gì nữa. Bạn thật tự hào về điều đó” Brian – người đứng đầu bộ phận kỹ thuật tại Cupertino, cho biết .

(Theo Insider, RBK và The Verge)