Theo dữ liệu từ QUICK-FactSet, Apple – công ty có giá trị nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường với 3 nghìn tỷ USD, là công ty toàn cầu kiếm được nhiều doanh thu nhất ở Trung Quốc trong năm 2022, gần 70 tỷ USD.
Qualcomm, nhà sản xuất chip lớn của Mỹ, cũng phụ thuộc vào Trung Quốc khi thị trường này chiếm hơn 60% doanh số bán hàng. Còn đối với hãng xe điện Tesla, con số này là hơn 20%.
Có tới 8 trong số các công ty phụ thuộc nhiều nhất vào thị trường đại lục nằm trong lĩnh vực bán dẫn – nơi xảy ra xung đột nghiêm trọng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tháng 10 năm ngoái, Washington ban hành lệnh cấm các công ty của Mỹ cung cấp một số loại chất bán dẫn, thiết bị sản xuất chip hoặc các bản cập nhật cho các công ty chip Trung Quốc. Công dân Mỹ cũng bị cấm làm việc trong lĩnh vực này của đối thủ.
Bất chấp áp lực chính trị gia tăng, đối với Qualcomm, Lam Research và bốn công ty khác của Mỹ trong ngành bán dẫn, Trung Quốc vẫn là nguồn doanh thu lớn nhất vào năm ngoái, vượt qua các thị trường lớn khác như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Nguyên nhân là do nhiều mặt hàng điện tử và đồ dùng công nghệ được xuất khẩu sang đại lục trước khi tái xuất dưới dạng thành phẩm.
Do đó, con số cao không phản ánh nhu cầu nội địa của nước này. Nhiều công ty đã giải trình trong báo cáo hàng năm rằng tại một số khu vực địa lý, chẳng hạn như Trung Quốc thì doanh thu của họ dựa trên dữ liệu giao hàng và thanh toán chứ không phải người dùng cuối.
“Việc các công ty công nghệ Mỹ tiếp xúc nhiều với Trung Quốc chỉ cho thấy tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu. Cho tới gần đây, không có lý do cụ thể nào để nghĩ rằng việc phát triển thị trường đại lục là một rủi ro”, David Wong, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Công nghệ APAC của Nomura, cho biết.
Thị trường khó bỏ
Tổng thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã đạt mức kỷ lục 690 tỷ USD trong năm 2022, trong đó Washington xuất khẩu tăng 28% trong giai đoạn 2018 – 2022. Ở chiều ngược lại, vào năm ngoái Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc tổng cộng 536,3 tỷ USD.
“Trung Quốc đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu”, Fu Fangjian, Phó giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Lee Kong Chian, Đại học Quản lý Singapore, cho biết. “Thị trường này cũng giống như thị trường nội địa tại Mỹ đối với các doanh nghiệp công nghệ. Trong khi chính phủ Mỹ cố gắng ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến thì doanh nghiệp lại không thể sống thiếu thị trường bên kia bán cầu”.
Một số chuyên gia cảnh báo rằng việc phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về doanh thu có thể là một nguồn dễ bị tổn thương cho các công ty công nghệ Mỹ.
“Rủi ro” lớn nhất đối với các công ty công nghệ Mỹ này “là một lệnh cấm hoàn toàn và mất khả năng bán hoặc sản xuất tại Trung Quốc”, Abishur Prakash, Giám đốc điều hành của The Geopolitan Business, một công ty tư vấn có trụ sở tại Toronto, cho biết.
Chuyển biến chưa rõ rệt
Sự phụ thuộc vào Trung Quốc vẫn chưa có sự thay đổi to lớn bất chấp cọ xát chiến lược hai bên. Theo hồ sơ của công ty, tổng doanh số bán hàng Apple tạo ra ở Trung Quốc đại lục gồm Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, chỉ giảm 0,74%, xuống 18,8% trong năm tài chính gần nhất, so với năm tài chính kết thúc vào tháng 9/2018.
Thị trường này vẫn là nguồn doanh thu lớn thứ hai của Apple, chỉ xếp sau thị trường Mỹ. Cụ thể, doanh thu của “Nhà táo” tại đây đã tăng 43% lên 74,2 tỷ USD trong năm tài chính 2022 từ 51,9 tỷ USD trong năm tài chính 2018, sau khi doanh thu giảm trong năm tài chính 2019 và 2020 do suy thoái kinh tế của Trung Quốc.
Apple tập trung phát triển thị trường Trung Quốc kể từ khoảng năm 2014. Tại buổi họp báo thu nhập của công ty vào tháng 10/2015, năm mà doanh thu thuần từ Trung Quốc đại lục vượt qua doanh thu từ châu Âu, Cook cho biết ông “rất lạc quan” về thị trường này và công ty sẽ đầu tư vào đây “trong nhiều thập kỷ tới”.
Đối với Tesla, doanh số bán hàng của hãng tại nền kinh tế số hai thế giới đã tăng vọt phần lớn nhờ vào việc Trung Quốc nhanh chóng áp dụng công nghệ xe điện. Trong năm 2022, Trung Quốc chiếm 22% tổng doanh số bán hàng của hãng xe, tăng từ 8% vào năm 2018.
Qualcomm, công ty phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, tính đến tháng 9 năm ngoái đã kiếm được 63,6% doanh số bán hàng tại đại lục và Hồng Kông. Tỷ lệ này là 67% trong năm tài chính 2018, theo hồ sơ của công ty.
Lĩnh vực công nghệ ngày nay đang phải vật lộn với điều kiện kinh tế vĩ mô tiêu cực cùng nhu cầu thị trường suy giảm. Do đó, kết quả cuộc đối đầu Mỹ – Trung sẽ tạo ra tác động lớn hơn nữa đối với những công ty công nghệ như Apple, Tesla hay các nhà sản xuất bán dẫn cho khách hàng là nhà máy sản xuất đồ điện tử tại Trung Quốc.
(Theo Nikkei Asia)
Các nhà sản xuất chip toàn cầu quyết bấu víu vào Trung Quốc
Ngân hàng trung ương Trung Quốc phạt Ant Group do Jack Ma sáng lập gần 1 tỷ USD