Cách đây hơn 1 năm về trước, mình đã có đăng bài Hướng dẫn SEO cho WordPress và nhận được nhiều ý kiến là tại sao phải đặt nofollow với tag của bài viết vì các tag SEO rất tốt, nhiều blog đã đạt được thứ hạng cao với tag nên phải tranh thủ đặt các từ khóa quan trọng vào đó để chiếm nhiều từ khóa top hơn.
Mình hoàn toàn đồng ý với những ý kiến đó, tag trong WordPress SEO rất tốt và đã có nhiều từ khóa đứng top cao ở blog mình cũng nhờ vào tag. Tuy nhiên, việc áp dụng cách chèn từ khóa quan trọng vào tag để SEO tốt hơn chưa phải là phương thức tối ưu nhất để vừa SEO tốt mà vừa có lợi cho người dùng, vì tag sinh ra là để giúp người dùng tìm nội dung tốt hơn mà.
Bạn nên xem: Khái niệm Tag và Category trong WordPress
Ngay trong bài này, mình sẽ chia sẻ cho mọi người một cách sử dụng tag để vừa có lợi cho người dùng mà vừa hỗ trợ SEO tốt.
Mục đích thì như mình đã nói từ lâu, đó là để tăng tốc thời gian index của website nhờ vào việc giảm đối tượng cần index đi, mà cụ thể là chúng ta cho nó bỏ qua tag vì thường một website chứa rất nhiều tag nên bot có thể bận index tag mà không index các nội dung quan trọng.
Nếu bạn đang dùng plugin WordPress SEO by Yoast thì có thể đặt nofollow, noindex với tag bằng cách vào SEO -> Titles & Metas -> Taxonomies, tìm tới Tags và đánh dấu vào noindex
.
Trong WordPress, khái niệm Category và Tag là hai khái niệm phân loại nội dung khá giống nhau nên cách dùng cũng có thể rất giống nhau. Tuy nhiên, nếu bạn đặt tag không phù hợp mà trùng với tên category hay tương đương thì nó sẽ không có nhiều giá trị với người dùng lắm.
Ví dụ, bạn có một bài viết là Chương trình từ thiện mái ấm cho em. Như vậy, site của bạn sử dụng nhiều category khác nhau thì bạn nên đặt nó vào category mang tên Tin tức xã hội, và đặt tag là từ thiện. Một tag cũng đủ rồi, quan trọng là người dùng biết sẽ tìm tới tag nào khi cần đọc nội dung liên quan đến từ thiện.
Bạn nên lưu ý, khi viết bài bạn nên gõ thử một chữ trong tag xem bạn đã dùng tag đó chưa, nếu có rồi thì cứ dùng tag đó chứ tránh đặt quá nhiều tag trở nên lan man và khó kiểm soát nội dung.
Đây là một bước quan trọng nếu như bạn muốn SEO tag tốt hơn, hiện nay plugin WordPress SEO by Yoast hay SEO Ultimate đều hỗ trợ tính năng đặt title và description cho tag.
Như ví dụ trên, mình có tag tên là từ thiện thì mặc định title của nó cũng chỉ là Từ thiện và không có description nào. Nếu bạn đang dùng WordPress SEO by Yoast, hãy vào Posts -> Tags -> tìm đến tag quan trọng mà bạn cần đặt title và description rồi ấn Edit. Sau đó bạn nhập title và description, cho phép tag được index và đưa tag vào sitemap vào phần Yoast SEO.
Nếu bạn đang dùng XML Sitemap của Yoast, mình khuyến khích không nên cho tất cả tags vào sitemap mà chỉ cho các tag quan trọng vào đó mà thôi. Bạn vào XML Sitemap và đánh dấu vào Tags ở phần Exclude taxonomies.
Mình không khuyến khích các bạn dùng các plugin tự chèn link trỏ tới tag trong bài viết mà chỉ nên đặt liên kết trỏ về các tag quan trọng ở một số từ khóa cần thiết và thích hợp.
Cách mình hay dùng đó là dùng plugin SEO Smart Link Business. Sau đó mình sẽ vào phần Custom Keyword và nhập từ khóa cần chèn vào theo cấu trúc này:
wordpress cơ bản,wordpress basic,wordpress căn bản|https://cddos.net/tag/wordpress-co-ban
Cấu trúc trên nghĩa là mình sẽ chèn link https://cddos.net/tag/wordpress-co-ban
vào các từ khóa trong bài chứa các từ wordpress cơ bản, wordpress basic, wordpress căn bản. Nếu bạn mới cài, nhớ vào phần Options của nó đánh dấu vào Enable UTF-8 support.
Tip ngoài lề: Bạn cũng nên tối ưu category giống như vậy.
Đó là một số kinh nghiệm của mình khi SEO với tag.
Có thể nó sẽ hơi rắc rối và rườm rà nhưng mình nghĩ đó là cách tốt nhất để vừa đạt tỷ lệ pageview cao mà vừa lại SEO tốt nhờ tag. Đó là cách SEO của mình, còn bạn đang SEO tag như thế nào, hãy cho mình biết được chứ?
Nếu bạn còn câu hỏi nào liên quan tới việc dùng tag trong WordPress, hãy cho mình biết ở phần bình luận nghen.