Được giới thiệu năm 2015, Digital India (Ấn Độ số) là chương trình bảo trợ cho một số sáng kiến quản trị số, bao gồm mạng băng rộng Bharat (BBN) dành cho kết nối băng rộng nông thôn, trung tâm dịch vụ chung (CSC) và giao diện tài chính Bharat (BHIM)… Các lĩnh vực trọng tâm là đào tạo kỹ năng mới cho người dân, an ninh mạng, khởi nghiệp và quảng bá việc sử dụng ngôn ngữ của Ấn Độ.
Theo Thủ tướng Narendra Modi, Digital India sẽ kích thích kinh tế số, nâng cao khả năng truy cập dịch vụ và củng cố sức mạnh của hệ sinh thái công nghệ thông tin (CNTT). Trong vài năm qua, chính phủ Ấn Độ đã công bố nhiều sáng kiến để thúc đẩy lối sống kỹ thuật số.
Như một phần trong kế hoạch mở rộng, chính phủ sẽ đầu tư để đào tạo lại và nâng cấp kỹ năng cho 256.000 nhân sự CNTT theo chương trình Future Skills. Ấn Độ cũng sẽ đào tạo 265.000 nhân sự an toàn thông tin. Nhu cầu đào tạo lại nhân lực trong các lĩnh vực như CNTT ngày càng tăng vì việc thúc đẩy AI và tự động hóa có thể khiến nhiều vị trí trong các lĩnh vực khác trở nên dư thừa.
Ngoài ra, số tiền đầu tư còn dùng để mở rộng quy mô chương trình Bhashini cho 22 ngôn ngữ. Bhashini là công cụ dịch thuật dựa trên trí tuệ nhân tạo và hiện hỗ trợ 10 ngôn ngữ của Ấn Độ. Mục tiêu của chương trình là giúp tất cả người dân trong nước tiếp cận dịch vụ Internet và kỹ thuật số bằng tiếng nói riêng và tăng cường nội dung bằng ngôn ngữ bản địa.
Bên cạnh đó, một phần của nguồn vốn sẽ tài trợ cho 1.200 startup tại các thị trấn và thành phố cấp 2, cấp 3. Chính phủ còn ra mắt chương trình nâng cao nhận thức an toàn thông tin hướng tới 120 triệu người dân.
Một phần khác bổ sung 9 siêu máy tính cho 18 cỗ máy hiện tại nhằm phục vụ sứ mệnh Siêu máy tính quốc gia. Cuối cùng, chính phủ sẽ thiết lập ba trung tâm nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế, sức khỏe và lối sống bền vững.
(Theo Light Reading)