CloudFlare Pro có gì nổi bật?




data vpn

Dịch vụ tường lửa cho website miễn phí CloudFlare có vẻ không còn quá xa lạ với nhiều bạn ở đây, đa phần là ai cũng đã hoặc đang sử dụng dịch vụ CloudFlare như giải pháp bảo mật website đơn giản với hệ thống tường lửa bằng cách bảo vệ qua hệ thống DNS của họ, ngoài ra CloudFlare còn hỗ trợ tăng tốc website bằng CDN miễn phí, tối ưu mã nguồn ngoài frontend,….chất lượng thì khá tốt, không có gì phải phàn nàn.

Nhưng ngoài gói miễn phí vĩnh viễn của CloudFlare, họ còn cung cấp cho chúng ta tuỳ chọn các gói trả phí để sử dụng thêm các chức năng nâng cao bao gồm Pro ($20/tháng), Business ($200/tháng) và Enterprise (~ $5000/tháng). Trong đó, gói Pro có vẻ thân thiện hơn với chúng ta hơn vì giá $20/tháng không phải là cao. Mà theo CloudFlare mô tả, gói Pro bạn sẽ có thêm tính năng tuỳ biến trang báo lỗi, sử dụng WAF (tường lửa cho ứng dụng) và làm website nhanh hơn.

Vậy cụ thể trong gói Pro của CloudFlare có những gì và nó có thật sự đáng đồng tiền không, mình sẽ đánh giá sơ bộ cho các bạn xem thông qua nhiều tháng sử dụng CloudFlare Pro trên cddos.net.

CloudFlarePro

Các tính năng của gói Pro

Xem thống kê trong 6 giờ qua

CloudFlarePro-Analytics

Mặc định ở gói miễn phí, bạn chỉ có thể xem được những gì xảy ra trong 24 giờ qua nhưng với gói Pro thì bạn có thể xem tối đa các thống kê trong 6 giờ qua và gói Business sẽ xem được 3 giờ. Còn lại thì không khác gì gói miễn phí.

WAF (Web Application Firewall)

CloudFlarePro-WAF

Đây là một chức năng mà mình thấy đáng đồng tiền nhất và cũng là lý do chính để sử dụng gói Pro của CloudFlare. WAF nghĩa là bộ tường lửa sẽ giúp bạn hạn chế bị tấn công qua các phương thức phổ biến như SQL Injection, XSS, SQLi Attack hoặc ngăn chặn thực thi một file chứa mã độc.

WAF ở CloudFlare chia làm hai loại, một loại được sử dụng để chống lại các truy vấn HTTP nguy hiểm và nó hỗ trợ nhiều kiểu theo từng rule set khác nhau, chẳng hạn rule set CloudFlare WordPress là để chống lại các truy vấn HTTP nguy hiểm có liên quan đến WordPress.

Loại còn lại là OWASP ModSecurity để chống lại các hình thức tấn công phổ biến và nó có khá nhiều rule set để bạn sử dụng.

Tăng tốc website với Polish và Mirage

Gói Pro bạn sẽ có thêm hai tuỳ chọn ở khu vực Speed đó là:

  • Polish: Nén ảnh xuống mức thấp nhất khi request qua CloudFlare, hỗ trợ nén kiểu Lossless và Lossy.
  • Mirage (Beta): Tính năng này bạn có thể hiểu là nó sẽ giảm thời gian tải các hình ảnh trên các thiết bị khác bằng cách tự trả về hình ảnh nhỏ hơn với size phù hợp nếu họ xem ảnh trên các thiết bị nhỏ như điện thoại, máy tính bảng.

Tuỳ biến trang báo lỗi

CloudFlarePro-Customize

Một tính năng cuối cùng cũng khá thú vị khi dùng CloudFlare Pro là bạn có thể tuỳ biến lại nội dung tất cả trang báo lỗi mặc định của CloudFlare bằng cách họ cho phép bạn điền link của một trang báo lỗi nào đó vào để thay thế nhằm giúp tạo sự thân thiện cho người dùng nếu chẳng may website của bạn gặp vấn đề với CloudFlare hoặc đơn giản là nếu CloudFlare có chặn họ thì cũng có một trang báo lỗi dễ thương hơn một xíu.

Vậy, CloudFlare Pro có đáng đồng tiền hay không?

Theo đánh giá chủ quan của mình thì mình thấy gói Pro của CloudFlare cũng coi tạm được với mức giá $20/tháng, vì cái đáng đồng tiền của gói này mình nghĩ là ở phần WAF và bạn không muốn dùng nhiều dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên nếu cho mình lựa chọn thiên về bảo mật, với giá $20/tháng ($240/năm) thì mình sẽ chọn Sucuri Web Firewall ($199/năm) vì ở đó mình có thêm tính năng scan mã độc trên server và chống DDoS (dù ít nhưng cũng khá tốt) vì ở CloudFlare bạn phải dùng gói $200/tháng mới có chống DDoS.

Tuy nhiên bù lại, CloudFlare làm tốt hơn ở phần tối ưu tốc độ, nên nếu bạn cảm thấy luyến tiếc về tính năng cải thiện tốc độ website của CloudFlare thì bỏ thêm $20/tháng để có thêm WAF cũng không có gì gọi là quá đáng.




data vpn

Leave your comment