Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn
Tại Hà Nội diễn ra Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam chủ đề “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn khu vực Đông Nam Á”.
Đây là sự kiện do Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT chủ trì; Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Cục Công nghiệp ICT cùng Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) phối hợp tổ chức.
Nhận định Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ 5 yếu tố tạo nền tảng để Việt Nam phát triển lĩnh vực này.
Cụ thể, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, đặc biệt là Chính phủ Việt Nam rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.
Việt Nam có một lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn; có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn; và các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn.
Việt Nam cũng thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan… Đặc biệt, hơn 2 tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thăm Việt Nam và cùng Việt Nam nâng cấp mối quan hệ 2 nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tuyên bố chung của 2 quốc gia đã xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Cùng với đó, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
“Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia – NIC và 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cũng khẳng định: “Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á. Trong tương lai, hy vọng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu”.
Chủ tịch SEMI SEA, bà Linda Tan cũng cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ.
“Các sự kiện như Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á và chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu”, bà Linda Tan chia sẻ.
Đưa Việt Nam trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghiệp bán dẫn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 đang được xây dựng, Bộ TT&TT và Bộ KH&ĐT sẽ sớm gửi chiến lược để xin ý kiến rộng rãi.
Theo Thứ trưởng, chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn trên toàn cầu hiện diện và sản xuất, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam. Đặc biệt, sẽ có những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Đại diện Bộ TT&TT cũng cho rằng, trước những biến đổi lớn của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, các quốc gia ASEAN và Việt Nam cần nhanh chóng thích nghi để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Có những thay đổi mà các nước ASEAN cần có kế hoạch phối hợp hành động tổng thể, cần sớm xác định sẽ tham gia vào những công đoạn nào trong chuỗi giá trị, xác định rõ thế mạnh của cộng đồng các nước ASEAN.
Trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã đánh giá cao tiềm năng về sản xuất chip bán dẫn ở ASEAN, trong đó đánh giá Singapore cùng Malaysia, Thái Lan có nhiều ưu thế về nền tảng công nghệ và hạ tầng; Việt Nam có nhiều ưu thế về mặt nhân lực.
“Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu bằng các chiến lược quốc gia, kế hoạch dài hạn cũng như cam kết xây dựng lòng tin trong hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư, tham gia các công đoạn. Đặc biệt, chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam sẽ trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn không chỉ phục vụ nhu cầu của Việt Nam mà còn đáp ứng nhu cầu khu vực và thế giới. Để làm được điều này, cần có sự chung tay hành động của Chính phủ, các hiệp hội, các tổ chức, doanh nghiệp bán dẫn và nhất là các trường đại học công nghệ trong và ngoài nước”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.
Tại hội nghị, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã chia sẻ về về các nội dung liên quan đến phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tại khu vực và Việt Nam như cơ sở hạ tầng bán dẫn của Việt Nam, cơ chế chính sách để thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, thúc đẩy hệ sinh thái dẫn – chiến lược phát triển, triển vọng thị trường bán dẫn, khuyến nghị chiến lược tận dụng cơ hội bán dẫn của Việt Nam…