Ngày 30/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp mới nhằm quản lý lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI) đang bùng nổ. Mệnh lệnh hành pháp yêu cầu các nhà phát triển hệ thống AI tiềm ẩn rủi ro cho an ninh quốc gia, nền kinh tế, sức khỏe hoặc an toàn công cộng phải báo cáo kết quả rà soát an toàn lên chính phủ, phù hợp với Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, trước khi công bố rộng rãi ra công chúng.
“Để hiện thực hóa tiềm năng của AI và tránh rủi ro, chính phủ cần quản lý công nghệ này”, ông Biden nói. “AI có thể giúp tin tặc dễ dàng khai thác lỗ hổng trong phần mềm vận hành hệ thống xã hội của chúng ta”.
Động thái này là bước đi mới nhất của chính quyền nhằm thiết lập hàng rào quản lý xung quanh công nghệ AI đang bùng nổ nhanh chóng. Sắc lệnh mới cũng gây ra phản ứng trái chiều từ các nhóm công nghiệp và thương mại.
Bradley Tusk, Giám đốc điều hành tại Tusk Ventures, công ty đầu tư mạo hiểm đầu tư vào công nghệ và AI, hoan nghênh động thái này. Song, ông cho biết các công ty công nghệ có thể sẽ ngại chia sẻ dữ liệu độc quyền với chính phủ vì lo ngại dữ liệu đó có thể bị cung cấp cho các đối thủ.
NetChoice, hiệp hội thương mại quốc gia bao gồm các nền tảng công nghệ lớn, mô tả sắc lệnh Nhà Trắng ban hành là “dải băng đỏ AI”, có thể trở thành trở ngại với “các công ty và đối thủ cạnh tranh mới tham gia thị trường, đồng thời mở rộng đáng kể quyền lực của chính quyền liên bang đối với đổi mới sáng tạo của nước Mỹ”.
Theo chỉ dẫn hành pháp, Bộ Thương mại có trách nhiệm xây dựng thông tư hướng dẫn “xác thực nội dung và hình che mờ” để dán nhãn các sản phẩm do AI tạo ra. Trong khi đó, cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ và liên bang có trách nhiệm giải quyết vấn đề bản quyền trong huấn luyện AI, gồm xây dựng bài kiểm tra với các “hệ thống AI vi phạm sở hữu trí tuệ”.
Lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết ông hy vọng sẽ có luật về AI trong vài tháng tới. Các quan chức nước này đã cảnh báo rằng AI có thể làm tăng nguy cơ thiên vị và vi phạm quyền công dân.
Lệnh cũng kêu gọi phát triển các “giải pháp thiết thực” để giải quyết những tác hại mà AI có thể gây ra cho người lao động, bao gồm cả việc dịch chuyển công việc và yêu cầu báo cáo về tác động đối với thị trường lao động.
Nhóm bảy nước nền công nghiệp lớn (G7) vào ngày 30/10 cũng thống nhất bộ quy tắc ứng xử dành cho các công ty đang phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo tiên tiến.
“Sự thật là Mỹ đã tụt hậu rất xa so với châu Âu”, Max Tegmark, Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách công nghệ Future of Life Institute, cho biết. “Các nhà hoạch định chính sách, bao gồm cả những người trong quốc hội, cần quan tâm đến công dân của mình bằng cách ban hành luật chặt chẽ để giải quyết các mối đe dọa và bảo vệ sự tiến bộ”.
(Theo Reuters)
Anh thử nghiệm chatbot AI cho người dân nộp thuế, nhận lương hưu
Đối đầu công nghệ Mỹ – Trung củng cố tham vọng ‘trỗi dậy’ của Huawei