Thông tin trên được ông Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học của Vin Bigdata đưa ra tại sự kiện triển lãm “VinFast – Vì tương lai xanh” được tổ chức tại TP.HCM vào chiều 18/8.
Theo ông Vũ Hà Văn, AI tạo sinh là từ khóa được dân công nghệ nói nhiều nhất trong gần nửa năm qua, trong đó nổi bật là Chat GPT. Nhiều quốc gia và tập đoàn lớn cũng đã đẩy mạnh ứng dụng AI tạo sinh, điều đó đặt ra câu hỏi Việt Nam có cần làm chủ AI tạo sinh này không?
Tại Việt Nam, các mô hình AI trong thời gian qua rất nhiều, nhưng dựa trên nền tảng có sẵn và mở như Open AI. Điều này dẫn đến không thể kiểm soát dữ liệu do quá lớn, việc đảm bảo các vấn đề về bảo mật và nhiều lúc xuất hiện các sai số khi tra cứu…
Chính vì vậy, việc làm chủ hoàn toàn công nghệ lõi tương tự Chat GPT sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực cho ngành khoa học công nghệ của quốc gia, đảm bảo tính bảo mật an toàn dữ liệu; Cung cấp thông tin chính xác hơn liên quan tới tính bản địa. Bên cạnh đó tập trung vào nội dung mang tính đặc thù như về vùng miền, văn hoá, bộ ngành…
Ông Vũ Hà Văn cho biết, trong tuần sau, Vin Bigdata sẽ chính thức ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt đầu tiên tại Việt Nam, cũng là đơn vị đầu tiên làm chủ hoàn toàn công nghệ AI tạo sinh. Mô hình này được công ty tập trung thiết kế để phù hợp nhất và phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người Việt.
Cụ thể với mô hình AI tạo sinh này sẽ tập trung vào: Cung cấp các thông tin mang tính đặc thù bao gồm các văn bản, quy định pháp luật của nhà nước Việt Nam, ví dụ như “Sai làn đường sẽ bị xử phạt thế nào?” hay “Vượt đèn đỏ sẽ xử phạt ra sao?”; Cung cấp các thông tin mang tính đặc trưng của Việt Nam như kiến thức về văn học, lịch sử, địa lý…
Mô hình do Vin Bigdata phát triển sẽ tập trung vào nhu cầu cốt lõi và lợi ích của người Việt, đồng thời giải quyết được 3 vấn đề: Đảm bảo tính bảo mật cho dữ liệu; Cải thiện tính chính xác của thông tin; Giảm chi phí hạ tầng tính toán.
“Thay vì phải cần tới 175 tỷ tham số như Chat GPT thì Vin Bigdata đã có thể tạo ra mô hình ngôn ngữ lớn với vài tỷ tham số mà vẫn có khả năng sinh ra các văn bản có tính xác thực cao, tập trung vào dữ liệu văn bản của người Việt và tri thức Việt”, ông Vũ Hà Văn chia sẻ.
Ông Vũ Hà Văn cho biết thêm, với việc phát triển AI sinh tạo sẽ mang lại lợi ích đa ngành như tích hợp vào hệ thống giọng nói trong ô tô thông minh giúp cá nhân hoá trải nghiệm của người lái; Tạo mô hình kinh doanh – vận hành thông minh như hỗ trợ hỏi-đáp/tra cứu quy định, văn bản giúp làm việc nhanh chóng, hỗ trợ các hoạt động bán hàng và marketing; Tạo ra nền Y tế thông minh như tư vấn khám chữa bệnh theo hướng cá nhân hoá, tư vấn sản phẩm, dịch vụ, đặt lịch khám nhanh chóng; Phát triển Du lịch – khách sạn thông minh bằng cách tự động đọc hiểu, trích xuất các thông tin nghỉ dưỡng/ưu đãi cho khách hàng, hỗ trợ chăm sóc khách hàng, số hoá trải nghiệm nghỉ dưỡng; Ứng dụng vào đô thị thông minh – nhà thông minh nhằm đảm bảo an ninh – an toàn cho các khu đô thị, kết nối và điều khiển các thiết bị gia đình, gia tăng trải nghiệm tiện ích cư dân.
Về ô tô thông minh, hiện nay Vin Bigdata tích hợp vào xe điện VinFast trợ lý ảo Vivi, ứng dụng này giúp cho người lái dùng giọng nói thực hiện nhiều tác vụ như dẫn đường, gọi điện, nhắn tin, nghe nhạc, đọc tin tức, hay điều khiển các chức năng trên xe. Bên cạnh đó, trở lý ảo Vivi còn có thể trò chuyện với người dùng, giải đáp các câu hỏi thường ngày của người lái, thậm chí kể chuyện cười thư giãn…
Đặc biệt, bên cạnh AI tạo sinh, trợ lý ảo này tiếp tục được cải tiến khi có thể nhận diện giọng nói đa vị trí trên xe; Cá nhân hoá từ đánh thức, chẳng hạn như thay vì nói “Hey Vinfast” một cách khô khan, người sử dụng giờ có thể dùng các từ ngữ khác theo cách gọi của riêng mình, chẳng hạn như “mình ơi”, “xe ơi”…; Trợ lý ảo này cũng có thể tự động nhận dạng tiếng nói của người dùng, đặc biệt là với tính năng sinh trắc học giọng nói, người sử dụng có thể đưa chính giọng nói của mình hay của bất kỳ người nào mình thích vào trợ lý ảo này. Ngoài ra Vivi còn giúp người dùng trích xuất văn bản tự động, tổng hợp giọng nói vùng miền…