Không cần phải nói nhiều thì chúng ta ai cũng biết WordPress là một mã nguồn mở được viết bằng PHP và sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL. Điều đó có nghĩa là ngoài việc sử dụng WordPress theo cách thông thường, chúng ta có thể sẽ cần can thiệp vào mã nguồn bên trong để làm các công việc như tạo theme riêng, tạo plugin theo ý muốn hoặc sử dụng các WordPress API. Nhưng để làm các công việc đó, bạn phải biết qua PHP, ít nhất là bạn sử dụng nó thành thạo.
Và serie này, là nơi mà mình sẽ trình bày các vấn đề về PHP cơ bản nhưng lại chuyên sâu nhất có thể để bạn hiểu rõ hơn về PHP, biết cách sử dụng và nhất là không thắc mắc nhiều khi đọc code.
Trong serie này, trước tiên mình sẽ cho bạn hiểu khái quát về ngôn ngữ PHP, vai trò của nó và các thành tựu của ngôn ngữ này trong thế giới website hiện nay.
Kế đến, mình sẽ cho các bạn lao thẳng vào WordPress, tự tạo ra một theme đơn giản chỉ với vài thao tác với mục đích là bạn sẽ thấy công dụng của các đoạn PHP mà mình đã viết. Và trong việc thiết lập môi trường để chạy PHP, mình sẽ cho các bạn sử dụng luôn các công cụ hiện đại và phổ biến hiện tại từ việc sử dụng các dòng lệnh.
Dĩ nhiên là không thể thiếu phần giới thiệu các quy tắc cú pháp trong PHP, cách viết nó, tìm hiểu về biến (variable), hàm (function), vòng lặp (loop), mảng (array), đối tượng (object),…vì đây là các vấn đề cơ bản. Nhưng hãy yên tâm, mọi thứ sẽ trở nên rất quen thuộc nếu bạn là người dùng WordPress.
Trong lúc mình hướng dẫn, sẽ không thể thiếu sự góp mặt của các cấu trúc code PHP trong WordPress như các biến được tạo ra sẵn, các hàm hiện tại của WordPress với từng chức năng để mình diễn giải ví dụ trực quan hơn.
Nói tóm lại, mục tiêu của serie này là mình sẽ cố gắng diễn giải kiến thức PHP cơ bản thông qua WordPress, tuy cơ bản nhưng trong serie này mình sẽ trình bày PHP đầy đủ nhất có thể.
Serie này mình sẽ không nói qua PHP với MySQL. Nên nếu bạn cần học PHP đầy đủ hơn, hãy học các khoá học PHP truyền thống như PHP & MySQL cơ bản của QHOnline.
Để hiểu được PHP cơ bản, mình cần các bạn đã hiểu sơ qua HTML và CSS là được. Ngoài ra bạn nên có tính tự lập một chút, cái gì chưa hiểu thì có thể search trên Google hoặc tự phân tích được là mình sẽ cần làm gì. Ngoài ra bạn cũng nên biết rằng PHP rất dễ học, dễ hiểu chứ không có khó nhai như mấy ngôn ngữ lập trình khác như C#, C++ hay Java đâu.
Okay, nếu bạn đã sẵn sàng thì chúng ta qua bài kế tiếp nhé.