Sau khi thử nghiệm với 1.000 cố vấn tài chính trong vài tháng gần đây, ngân hàng Morgan Stanley dự định tung ra một chatbot AI sinh tạo được phát triển bởi những người đứng đằng sau thành công của ChatGPT.

Với sự cho phép của khách hàng, AI sẽ thực hiện nhiệm vụ tóm tắt cuộc thảo luận, soạn thảo thư điện tử đề xuất các bước tiếp theo, cập nhật cơ sở dữ liệu ngân hàng, lên lịch cuộc hẹn cũng như hỗ trợ tư vấn quản lý tài chính trong các lĩnh vực như thuế, tiết kiệm hưu trí và thừa kế.

Trong khi đó, nhân viên ngân hàng có thể sử dụng chatbot để nhanh chóng tìm kiếm các nghiên cứu hoặc biểu mẫu thay vì phải sàng lọc hàng trăm nghìn tài liệu.

Morgan Stanley dẫn đầu nỗ lực đưa AI vào sử dụng trong lĩnh vực ngân hàng khi sớm ký kết thoả thuận hợp tác với OpenAI từ mùa hè năm 2022.

Sal Cucchiara, Giám đốc thông tin về quản lý tài sản và đầu tư của Morgan Stanley, một trong những giám đốc điều hành thúc đẩy nỗ lực đưa AI vào sử dụng trong lĩnh vực ngân hàng, nhận định tác động của AI “sẽ rất đáng kể”, sánh ngang với sự ra đời của Internet.

Lãnh đạo Morgan Stanley đã gặp gỡ các giám đốc điều hành OpenAI vào năm 2022, trước cả thời điểm ChatGPT được phát hành và khuấy đảo giới công nghệ toàn cầu. “Rõ ràng chúng tôi cần phải hợp tác với OpenAI, khi họ đã vượt những đối thủ khác rất nhiều”.

Hai bên ký thoả thuận hợp tác vào mùa hè năm 2022, trong đó gã khổng lồ ngân hàng được ưu tiên tiếp cận hoạt động phát triển sản phẩm quản lý tài sản.

Mặc dù chatbot sẽ cung cấp phần lớn thông tin chi tiết và hỗ trợ thủ tục hành chính cho các cố vấn tài chính, song lời khuyên đầu tư vẫn thuộc quyết định cuối cùng của con người.

“Nhân viên tư vấn vẫn là trung tâm”, Cucchiara nói và khẳng định các nhân viên coi công nghệ mới là công cụ hữu ích chứ không phải thứ thay thế họ trong công việc.

Sáng kiến AI là một phần trong chiến lược của Morgan Stanley nhằm thúc đẩy bộ phận quản lý tài sản, nơi có doanh thu ròng tăng kỷ lục 16% trong quý II/2023 với tổng số tài sản đang quản lý tăng 90 tỷ USD.

Giám đốc điều hành James Gorman, người dẫn đầu một loạt thương vụ lớn nhằm thu hút nhiều tiền hơn vào hoạt động kinh doanh tài sản, đặt mục tiêu quản lý số tài sản đạt 10 nghìn tỷ USD.

Morgan Stanley không đơn độc trong nỗ lực đưa AI vào quy trình ngân hàng. Trong khi một số ngân hàng đã sử dụng AI để xử lý số liệu, phát hiện gian lận và phân tích giao dịch khách hàng, các gã khổng lồ Phố Wall đang phát triển ứng dụng phức tạp hơn của AI sinh tạo có khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh và dữ liệu khác.

JPMorgan Chase đã bổ nhiệm Teresa Heitsenrether làm giám đốc dữ liệu và phân tích vào tháng 6/2023 để lãnh đạo việc áp dụng AI trên toàn bộ công ty cho vay lớn nhất nước Mỹ.

Trợ lý ảo Erica của Rival Bank of America, cũng đã có hơn một tỷ tương tác với khách hàng kể từ khi được giới thiệu vào năm 2018.

Trong một diễn biến khác, Moody’s Analytics đang hợp tác với OpenAI và Microsoft để phát triển một trợ lý nghiên cứu cung cấp cho khách hàng có nhu cầu.

Michael Abbott, lãnh đạo đơn vị ngân hàng toàn cầu tại công ty tư vấn Accenture, cho biết các ngân hàng lớn là những công ty tài chính tiên tiến nhất trong việc áp dụng AI, tiếp đó là các nhà quản lý tài sản, nhà giao dịch và công ty bảo hiểm. “Chúng tôi nhận thấy dịch vụ chạy bằng AI đang lan rộng tại các ngân hàng lớn nhất”.

(Theo Reuters)​

Chatbot AI của Baidu gây sốt ngay khi ra mắt

Chatbot AI của Baidu gây sốt ngay khi ra mắt

Theo Qimai.cn, Ernie Bot, chatbot AI của Baidu là ứng dụng phổ biến nhất trên App Store Trung Quốc sau khi xuất hiện ngày 31/8.
Doanh nghiệp cần đánh giá rủi ro bảo mật khi tích hợp chatbot AI

Doanh nghiệp cần đánh giá rủi ro bảo mật khi tích hợp chatbot AI

Doanh nghiệp cần cẩn trọng tích hợp các công cụ AI vào quy trình kinh doanh khi hacker dễ dàng qua mặt chatbot AI và hướng dẫn chúng thực hiện các tác vụ độc hại.
Google âm thầm loại bỏ dự án chatbot AI cho Gen Z

Google âm thầm loại bỏ dự án chatbot AI cho Gen Z

Có tên “Bubble Characters”, chatbot AI của Google có thể trò chuyện với giới trẻ và thậm chí đưa lời khuyên cho họ.