Những lưu ý để bảo vệ tiền trong thanh toán quốc tế

Gần đây những vụ lùm xum liên quan tới việc tiền không cánh mà bay khỏi các tài khoản ngân hàng khiến ai cũng phải nâng cao cảnh giác.

Bank Hacking

Đây là những kinh nghiệm cá nhân của mình trong nhiều năm sử dụng thẻ thanh toán quốc tế mà chưa gặp bất kỳ trường hợp mất tiền nào cả, các bạn nên tham khảo và ghi nhớ kĩ.

Nếu thấy bài hay, bạn nên chia sẻ thêm cho bạn bè cùng biết nữa nhé!

Kinh nghiệm bảo vệ tiền trong thanh toán quốc tế

Việc tiêu xài thông qua các dịch vụ online hay thanh toán bằng các loại thẻ thanh toán quốc tế đang ngày càng được ưa chuộng với những ưu điểm như tiện lợi, nhanh chóng, có nhiều ưu đãi, không phải sử dụng tiền mặt… Tuy nhiên, cầm tiền mặt cũng có thể rơi, mất trộm thì đối với các loại thẻ cũng vậy.

Trên thực tế, nếu có gặp rủi ro, thì khách hàng luôn chịu phần thiệt hơn. Nếu có khiếu nại để tìm hiểu nguyên nhân thì ít nhất cũng mất tới 5 – 7 ngày làm việc mà đôi khi tính tương đối trong các điều khoản cũng khiến chúng ta hay bị “đuối lý” khi làm việc với nhà phát hành.

Mặc dù các ngân hàng hay các nhà phát hành thẻ đều có cơ chế để hạn chế những rủi ro nhưng cũng không có nghĩa là tiền của bạn được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nhất là tình hình hiện nay, sau một loạt vụ các hệ thống ngân hàng, sân bay bị hack thì bản thân chúng ta càng cần phải tự bảo vệ lấy tiền của mình.

Một số những lưu ý dưới đây sẽ được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên mà cá nhân mình cho là cần thiết:

1. Không dùng chung hay cho mượn thẻ

Hiện nay, thao tác mở thẻ Visa hoặc Master Debit rất đơn giản, tương tự như làm thẻ ATM vậy. Nhất là ngân hàng ACB còn cho phép đăng ký và nhận thẻ ngay. Như vậy, không còn nhiều lí do để ai đó phải đi mượn thẻ dùng nữa.

Việc dùng chung hay cho mượn thẻ tốt nhất nên hạn chế, bạn bè thân thiết lắm thì có thể cân nhắc, tốt nhất là bạn nên từ chối luôn.

2. Không sử dụng thẻ Visa/Master để thanh toán nơi công cộng

Điều này hơi ngược so với xu hướng của thế giới, nhưng mình chính xác đang làm vậy đó!

Ngay khi nhận được thẻ và kích hoạt xong, mình thường lau chùi cẩn thận hết bụi bặm, ghi lại thông tin thẻ (16 số mặt trước, tháng/năm hết hạn, 3 số CVV đằng sau) rồi cất vào trong 1 cái hộp và khóa lại.

Thẻ Visa/Master có thể sử dụng chỉ với 3 thông tin kia, nên bạn có thể lưu lại ở bất kì đâu mà bạn cảm thấy an toàn. Ví dụ như tự gửi mail cho mình (với một tiêu đề dễ tìm lại sau này), ứng dụng ghi chú, Google Keep

Nếu đi siêu thị, vào nhà hàng, bạn hãy sử dụng thẻ ATM thay vì Visa/Master Card, bảo mật hơn do phải thêm một bước nhập mã PIN. Nếu không may nhân viên thanh toán cố tình ghi lại 2 mặt của thẻ Visa/Master là chúng ta có khả năng sẽ bị mất tiền rồi.

3. Không để quá nhiều tiền trong tài khoản thanh toán

Nếu tài khoản cá nhân của bạn có nhiều tiền, hãy chuyển nó sang tài khoản tiết kiệm, vừa sinh lời mà vừa đảm bảo không bị rút tiền qua giao dịch thanh toán thông thường.

Hoặc bạn mở tài khoản ở 1 ngân hàng nào đó, chỉ dùng với những giao dịch thanh toán online sử dụng thẻ Visa/Master Card. Khi cần thanh toán gì thiếu tiền thì chuyển ở ngân hàng khác qua.

Chú ý: hiện giờ gần như toàn bộ ngân hàng Việt Nam đều đã liên kết với nhau (trừ một số ngân hàng quốc doanh như Agribank), chuyển tiền liên ngân hàng qua số in trên thẻ sau vài giây là nhận được rồi. Chắc chắn nhiều bạn không biết điều này!

4. Đăng ký tin nhắn SMS nhận thông báo khi phát sinh giao dịch

Điều này là hiển nhiên rồi, không cần phải nói nhiều nữa.

Tùy theo biểu phí từng ngân hàng thì phí chỉ giao động từ 7k – 10k/tháng. Bạn sẽ nhận được thông báo ngay khi giao dịch được thực hiện, nếu có vấn đề sẽ kịp thời liên hệ khóa thẻ và dừng giao dịch. Ngoài ra, hãy đăng ký số điện thoại và xác nhận giao dịch thông qua mã OTP gửi về cũng sẽ thêm 1 bước bảo mật cho tài khoản.

5. Không đăng ký thẻ Credit (thẻ tín dụng) nếu không cần thiết

Khác với thẻ Debit, thẻ Credit nếu tiêu dùng thông minh sẽ rất có lợi.

Tuy nhiên, chính loại thẻ này có thể biến bạn thành 1 con nợ lớn của ngân hàng lúc nào không hay. Nếu đánh rơi hoặc làm lộ thông tin thẻ, thì chỉ cần 1 cái quẹt, hoặc 1 nút Enter là xong. Số tiền bị mất sẽ bằng tối đa hạn mức mà ngân hàng cấp cho bạn (hình như gấp mấy lần tháng lương gì đó) chứ không chỉ đơn thuần là số tiền thực có trong tài khoản.

Mình thấy loại thẻ Credit tào lao kiểu gì đó, lúc nào cũng có cảm giác nợ nần, tiêu tiền không sướng cứ phải lo lắng trả nợ :))

6. Không lưu thông tin đăng nhập khi sử dụng Internet Banking

Tuyệt đối không chọn lưu lại những thông tin quan trọng như số thẻ, mã số bảo mật CVV trên trình duyệt máy tính cá nhân. Nếu phải dùng máy tính của người khác, bạn nên sử dụng trình duyệt ẩn danh.

Nhân đây mình giới thiệu luôn 2 phần mềm quản lý mật khẩu hỗ trợ đa trình duyệt (Chrome, Firefox, Safari…), đa nền tảng (Windows, macOS, Android, iOS…) rất hay là LastPass và 1Password. Những phần mềm chuyên dụng này có độ bảo mật cao hơn rất nhiều so với việc bạn lưu thông tin đăng nhập trên trình duyệt, mà sử dụng cũng tiện nữa.

7. Thay đổi mã PIN thường xuyên

Thường xuyên thay đổi mã PIN cũng là 1 cách bảo vệ tài khoản. Cách này bản thân mình cũng không thấy ổn lắm, nhất là những ai hay quên. Nếu thay đổi nhiều sẽ bị loạn, không nhớ mật khẩu sẽ bị nuốt thẻ, lại mất công qua ngân hàng nhận lại.

Hãy chọn cho mình 1 ngân hàng uy tín, sử dụng dịch vụ ở đó và cố gắng tự nhớ số tài khoản, mã PIN. Trường hợp bạn có quá nhiều thẻ ở các ngân hàng khác nhau, có thể đặt chúng theo quy tắc cá nhân riêng sao cho dễ nhớ nhất.

8. Nên sử dụng số tài khoản khác liên kết với thẻ Visa/Master

Hầu hết các ngân hàng theo mình biết là TPB, ACB… đều có dịch vụ cho mở một số tài khoản phụ để liên kết với các loại thẻ thanh toán quốc tế. Giao dịch chỉ có thể thực hiện đúng với số tiền mà bạn chủ động chuyển vào tài khoản. Khi nào cần thanh toán bạn chuyển tiền từ tài khoản chính sang và sử dụng như bình thường. Giảm thiểu đáng kể số tiền có thể bị mất

Bạn hãy liên hệ ngân hàng để hỏi về việc mở thêm tài khoản phụ này.

Số hotline 24/7 của ngân hàng luôn có ở mặt sau của các loại thẻ thanh toán. Nếu có vấn đề nghi vấn trong giao dịch, việc đầu tiên cần làm là liên hệ ngay hotline để khóa thẻ, tránh mất thêm tiền. Sau đó, bạn bình tĩnh xem mô tả giao dịch, “lục” lại trí nhớ xem có sử dụng dịch vụ tự động gia hạn hay đã từng thanh toán ở đó hay không và yêu cầu bên ngân hàng hỗ trợ.

Tổng kết

Tiền bạc là mồ hôi công sức vất vả mới kiếm được, nên tất cả chúng ta cần có trách nhiệm bảo vệ và cẩn thận trong mọi giao dịch.

Trong thời buổi công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện này, ngay cả những ngân hàng lớn cũng có thể mắc lỗi, gây ra sai lầm. Nói chung là không tin tưởng được 100%.

Việc sử dụng thẻ thanh toán thay cho tiền mặt cả ở nội địa, quốc tế đều rất thuận tiện. Hy vọng những lưu ý nêu ở trên có thể giúp bạn bảo vệ được tiền khi giao dịch với các nhà cung cấp.

Lưu ý cuối: luôn ưu tiên sử dụng PayPal để thanh toán thay vì trực tiếp dùng Visa/Master Card nhé. Khi giao dịch có vấn đề chúng ta có thể liên hệ PayPal để yêu cầu họ đòi lại tiền được. Ngoài ra, đỡ phải tốn thêm thời gian verify thông tin thẻ.

Trên đây là những kinh nghiệm mà cá nhân mình rút ra được trong quá trình sử dụng thẻ thanh toán quốc tế, còn bạn thì sao? Hãy để lại comment chia sẻ cho mọi người cùng biết và cùng bảo vệ tiền của chúng ta nhé.

Chúc bạn thành công!

Leave your comment