Trên thực tế, các nền tảng mạng xã hội đều có những biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ các phụ huynh giải quyết nỗi lo về sự an toàn của con em. 

Phụ huynh không hiểu biết đủ để ngăn chặn nội dung xấu độc

Sinh con gái thứ hai khi đã có tuổi, hành trình nuôi con của chị L.T.H, quận Đống Đa, Hà Nội gặp không ít khó khăn vì khoảng cách thế hệ. Dù đã cố gắng cập nhật, nhưng chị thừa nhận bản thân là 0.4, còn con là 4.0.

“Bản thân không hiểu biết về tài nguyên công nghệ các con đang có, nên cũng chẳng dám cấm đoán cháu dùng đồ điện tử. Từ đợt đại dịch Covid-19, nhà đã mua iPad riêng cho con để học online. Ngoài giờ học, cả nhà cũng để cháu dùng. Cháu biết dùng các ứng dụng rất nhanh, thạo hơn bố mẹ”, chị L.T.H chia sẻ.

Ban đầu, thấy con gái nắm bắt công nghệ tốt, chị T.H an tâm và cho rằng máy tính bảng lẫn Internet sẽ là công cụ hữu ích cho con khám phá khi vào cấp hai. Cho đến khi con trai lớn đi du học về thăm nhà, để ý và kiểm tra iPad của em gái mới phát hiện ra các nội dung lạ. 

“Con trai cho chúng tôi xem lịch sử truy cập trên máy em gái toàn hình ảnh, video phản cảm. Loạt hình ảnh nhóm thanh niên xăm trổ, thực hiện những thử thách vô nghĩa như chui vào chuồng sắt, uống nước ngọt 24h… Tôi không bao giờ nghĩ con gái sẽ xem được những thứ đó”, chị T.H bàng hoàng.

Giống gia đình chị T.H, vợ chồng anh N.V.S, quận Bình Thạnh, TP.HCM cũng trang bị cho con trai một chiếc máy tính xách tay để phục vụ học tập từ cuối tiểu học. Hai vợ chồng anh V.S thậm chí còn không cho con biết mật khẩu máy tính, chỉ cho sử dụng máy vào khung giờ nhất định. Anh V.S vốn cũng thành thạo các mạng xã hội, hay nghe tin tức nên khá tự tin “kiểm soát tốt con trên mạng”.

“Ngoài việc học, con trai tôi dùng máy tính với hai mục đích: Chơi điện tử và nghe nhạc. Ở độ tuổi của cháu, hai hình thức giải trí này hoàn toàn bình thường. Vợ chồng tôi không cấm đoán, chỉ theo dõi khi cháu chơi điện tử để tránh các trò quá bạo lực hay ham chơi vô độ. Còn nghe nhạc, tôi để cháu tự do”, anh V.S cho biết.

Người cha chẳng thể ngờ nghe nhạc – thói quen giải trí tưởng như là “an toàn” hơn lại gây hoạ. Trong một lần cả nhà xem thời sự, bản tin đề cập đến những video ca nhạc bị đánh giá là “rác” do lời ca vô nghĩa, hình ảnh gợi cảm, dung tục. Khi đó, anh V.S mới “nhớ mang máng là con trai cũng nghe những giai điệu này”.

Khi kiểm tra và hỏi lại con, hai vợ chồng đều khó xử khi biết con hay nghe những bài hát không lành mạnh. “Dịch lời sang tiếng Việt hay xem video của bài hát, chúng tôi còn thấy xấu hổ”.

Muốn giúp con chọn lọc nội dung thay vì cấm đoán

Theo khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế, tại Việt Nam, hơn 66% trẻ em có thể tiếp cận kết nối Internet; và 43% trẻ em tiếp cận mạng Internet từ 30 phút đến 1 tiếng/ngày.

Lượng thông tin khổng lồ trẻ em tiếp nhận mỗi ngày sẽ tác động đến suy nghĩ, phát ngôn của trẻ. Vậy nên ngay từ bước đầu, các em cần có nhận thức đúng đắn về mỗi nội dung xem được, với sự trợ giúp từ gia đình.

“Sau vụ việc lần trước, gia đình đã có nhiều buổi trò chuyện cùng con. Con ở độ tuổi phát triển tư duy, tôi cũng không muốn khắt khe, chỉ mong giúp con phân biệt, biết chọn lọc điều hay lẽ phải để xem. Thật ra các bạn trẻ bây giờ đều thích được nói chuyện thẳng thắn như người lớn, thay vì bị cấm đoán”, anh V.S cho biết.

Chia sẻ trên truyền thông về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho hay, bố mẹ có trách nhiệm tiên quyết với việc tiếp nhận thông tin của con em: “Hiện nay nhiều phụ huynh thường xuyên cho con dùng Internet nhưng lại không kiểm soát nội dung… Người lớn phải có trách nhiệm dẫn dắt, định hướng cho trẻ chứ không được có tâm lý thả nổi, con thích xem gì cũng được”.

Khi hệ quả xấu xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm thuộc về phụ huynh và cơ quan chức năng lẫn các nền tảng. “Để con tiếp cận với những nội dung vô bổ, tôi thừa nhận lỗi về phần mình khi đã không sát sao con. Nhưng ngoài việc kè kè bên cháu, tôi cũng mong có những phần mềm hoặc tính năng để chặn đứng các nội dung độc hại, không phải “mất bò mới lo làm chuồng”, chị T.H chia sẻ.

Trên thực tế, các nền tảng mạng xã hội đều có những biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ các phụ huynh giải quyết nỗi lo về sự an toàn của con em. Chẳng hạn, với TikTok – một trong những nền tảng xem video ngắn được giới trẻ ưa chuộng, tính năng Gia đình Thông minh đã được ra mắt từ 2019 và có hơn 400 triệu người đã tiếp cận trên thế giới cho đến nay.

Phụ huynh có thể linh hoạt điều chỉnh các cài đặt an toàn trong Gia đình Thông minh như: Hạn chế nội dung không phù hợp; Lọc từ khoá thuộc chủ đề không muốn theo dõi; Giới hạn thời gian sử dụng màn hình… TikTok cũng thường xuyên khuyến nghị người dùng chia sẻ nội dung lành mạnh, hay có những chiến dịch cộng đồng để nâng cao nhận thức chung cho phụ huynh và thanh thiếu niên.

Ngoài ra, ở mỗi nền tảng, trước và trong khi sử dụng đều có cung cấp cho người dùng hướng dẫn sử dụng an toàn – phần thông tin nhiều người bỏ qua, đặc biệt là con trẻ. Phụ huynh có thể tham khảo phần Cài đặt hoặc Bảo mật ở mỗi nền tảng để chủ động tìm hiểu các tính năng bảo vệ con em sẵn có.

Mới đây, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) và World Vision đang xúc tiến thành lập 1 liên minh hay câu lạc bộ các đơn vị cung cấp giải pháp bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh và sáng tạo trên không gian mạng.  

Đại diện VNISA cũng cho hay, với việc thành lập liên minh hay câu lạc bộ các đơn vị cung cấp các giải pháp an toàn thông tin mạng cho trẻ em, các bên tham gia sẽ phát huy thế mạnh của nhau, kết hợp với nhau hướng tới mục tiêu chung làm sao cho Việt Nam có các giải pháp công nghệ đầy đủ, để không những bảo vệ trẻ em an toàn mà còn giúp các em có thể tương tác lành mạnh và sáng tạo trên môi trường mạng.