Ngày 18/11/2023, SpaceX đã thực hiện nỗ lực thứ hai để phóng hệ thống tên lửa và tàu vũ trụ Starship của mình từ bãi phóng Texas (Mỹ). Sau khi tầng đầu tiên tách khỏi tên lửa, nó phát nổ trên không trung vài giây sau đó.
Theo các chuyên gia, việc liên lạc với động cơ đẩy của Starship đã bị trục trặc, dẫn đến kích hoạt thuật toán tự hủy sau đó. Trong video phát sóng vụ phóng được SpaceX đưa trên Twitter, tên lửa đẩy hạng nặng đã qua sử dụng phát nổ ở độ cao khoảng 90 km. Tên lửa đẩy này đã được lên kế hoạch sẽ hạ cánh xuống Đại Tây Dương.
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của hệ thống Starship diễn ra vào tháng 4/2023 cũng kết thúc trong thất bại. Tên lửa mất kiểm soát và bị phá hủy do hệ thống tự hủy trên tàu.
Sau sự cố này, SpaceX hợp tác với Cục Hàng không Liên bang (FAA) đã tiến hành một cuộc điều tra. Kết quả là SpaceX đã cải tiến thiết kế và bệ phóng tên lửa, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cơ quan quản lý cá và động vật hoang dã Mỹ để hạn chế tối đa các tác động môi trường của lần phóng đầu tiên.
Những chuyến bay thử nghiệm này vô cùng quan trọng đối với SpaceX và NASA. Đối với SpaceX, cuộc thử nghiệm có ý nghĩa quan trọng đối với kế hoạch mở rộng dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX, vì chỉ có Starship mới có thể phóng một thế hệ vệ tinh mới lớn hơn, nặng hơn lên quỹ đạo.
Mặt khác, NASA đang đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào Starship, dự định sử dụng hệ thống để đưa các phi hành gia lên Mặt trăng, như một phần của chương trình Artemis.
Dự kiến, con người chỉ có thể quay trở lại bề mặt Mặt trăng sớm nhất vào năm 2025, mặc dù thời điểm này có thể tiếp tục bị lùi đến năm 2026 và hoặc lâu hơn nữa.
Cuộc thử nghiệm thành công là rất quan trọng đối với NASA, vì họ hy vọng sẽ quay trở lại Mặt trăng trước khi Trung Quốc có thể đưa con người lên đó.
Trung Quốc đã công bố kế hoạch đổ bộ lên Mặt trăng vào cuối thập kỷ này. Tuy nhiên, trước khi NASA cho phép các phi hành gia bay trên Starship, SpaceX sẽ phải chứng minh rằng phương tiện của họ có thể bay an toàn và đáng tin cậy.
(theo Regnum)
Trung Quốc ra mắt hệ thống mạng Internet nhanh nhất thế giới, gấp 3 lần Mỹ
Cuộc cách mạng 5G của Trung Quốc: Khai phá tiềm năng của hệ sinh thái IoT