“Trong cuộc họp với các đại lý ủy quyền diễn ra vào tháng 11, Apple cho biết thị trường Việt Nam chính thức vượt mặt Thái Lan, trở thành quốc gia tiêu thụ iPhone lớn nhất Đông Nam Á”, đại diện một chuỗi bán lẻ di động lớn tại TP.HCM có mặt trong buổi họp đó chia sẻ.
Theo thông tin của đại diện FPT Shop, Apple cũng công bố Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng thị phần cao nhất tại châu Á trong quý vừa qua.
Sau 13 năm, Việt Nam đã trở thành thị trường lớn nhất Đông Nam Á của Apple. |
“Sự tăng trưởng của thị trường là lý do khiến Apple quan tâm đến thị trường Việt Nam hơn”, Minh Tuấn, đại diện chuỗi bán lẻ Minh Tuấn Mobile nhận định.
Theo cựu quản lý Apple, trước đây, Việt Nam chỉ được xem là thị trường hạng ba của Apple. Vì vậy, các đại lý như FPT Shop, Thế Giới Di Động… đều phải nhập iPhone về bán sỉ với giá lẻ.
Apple không muốn người dùng bỏ số tiền lớn để mua sản phẩm nhưng phải chờ đợi để có hàng. Đại diện một đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam.
“Họ hoàn toàn không có chiết khấu cho nhà bán lẻ, không thu hồi hàng tồn, không khuyến mãi… Đối tác của Apple tại Việt Nam như Thế Giới Di Động, Viettel, FPT Shop sẽ mua iPhone sỉ với giá lẻ như người dùng. Giá bán cuối cùng của nhà bán lẻ bao gồm 10% VAT, chi phí vận hành, lợi nhuận. Vì vậy, hàng iPhone VN/A phân phối chính ngạch luôn đắt hơn 25% so với hàng xách tay trốn thuế. Và kể cả có được đóng đầy đủ 10% thuế VAT, hàng xách tay vẫn rẻ hơn giá của nhà bán lẻ”, cựu quản lý Apple Việt Nam cho biết.
Tuy vậy, năm nay Apple có sự thay đổi khiến giới công nghệ Việt Nam bất ngờ khi có chiết khấu cho đại lý. “Đại lý có thể dùng phần chiết khấu này để giảm giá sản phẩm, khuyến mãi, quy đổi ra quà tặng để tăng tính cạnh tranh. Đây là thay đổi đáng hoan nghênh của Apple khi cho phép đại lý đa dạng chính sách bán hàng”, ông Vinh cho biết.
“Cách đây một năm, do không được xem là thị trường tập trung, iPhone mã VN/A luôn về chậm hơn so với xách tay. Tuy vậy, năm nay Apple quyết định bán cả 4 model vào ngày 27/11 tại Việt Nam. Thay đổi này khiến rất nhiều người bất ngờ. Nếu tính model 12 Pro Max thì thị trường Việt Nam chỉ chậm hơn quốc tế 2 tuần”, đại diện ShopDunk, đại lý ủy quyền của Apple chia sẻ.
Như vậy, nhờ tiềm lực của thị trường Việt Nam đủ lớn, Apple đã có chính sách giá bán và thời gian giao hàng cạnh tranh hơn.
“Dù trở thành thị trường lớn nhất Đông Nam Á, Apple vẫn không có ý định sẽ mở Apple Store tại Việt Nam”, nguồn tin yêu cầu giấu tên của Zing tiết lộ.
Theo người này, Apple nhận định thị trường Việt Nam vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu tiếp thị của hãng. Theo đó, Apple không muốn người dùng bỏ số tiền lớn để mua sản phẩm nhưng phải chờ đợi để có hàng.
“Trong khi đó, các đại lý bán lẻ ở Việt Nam thường có chương trình đặt cọc để nhận máy, chạy đua quảng cáo lôi kéo người dùng. Đây là trải nghiệm mua sắm Apple không muốn tồn tại. Năm nay Apple làm rất gắt vấn đề này, đã có một đơn vị bán lẻ lớn mở đặt cọc bị cắt nguồn hàng”, nguồn tin cho hay.
Điều này dẫn đến việc các đơn vị bán lẻ đã chuyển sang chương trình để lại thông tin cá nhân thay vì cọc tiền như trước đây.
“Với chính sách giá tốt, thời gian giao máy nhanh, trải nghiệm mua hàng và các chương trình khuyến mãi ưu đãi, iPhone VN/A đang đẩy hàng xách tay vào ngõ hẹp”, đại diện ShopDunk nhận định.