VNG Limited sắp niêm yết tại Mỹ
Theo hồ sơ gửi Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), VNG Limited vừa nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1, nhằm niêm yết cổ phiếu tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market của Mỹ.
Citigroup Global Markets Inc., Morgan Stanley & Co. LLC, UBS Securities LLC và BofA Securities, Inc. sẽ là các nhà bảo lãnh phát hành cho đợt IPO này. Quy mô giao dịch và khoảng giá chào bán hiện chưa được xác định.
Các cổ đông lớn của VNG Limited gồm ông Lê Hồng Minh, ông Vương Quang Khải, Tencent và Ant Group (2 doanh nghiệp Trung Quốc) và quỹ đầu tư GIC của Singapore.
VNG Limited đang sở hữu 49% tại “kỳ lân” công nghệ VNG Corporation. VNG có nhiều dự án lớn, hiện là nhà phát hành game dẫn đầu thị trường Việt Nam và đang mở rộng nhanh chóng ở thị trường toàn cầu.
Các sản phẩm tiêu biểu khác của VNG bao gồm Zing MP3 (nền tảng nghe nhạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam với hơn 28 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, theo F&S) và ZaloPay (ví điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam, theo F&S).
Đầu năm 2023, VNG đăng ký giao dịch trên chứng khoán Upcom của Việt Nam với giá phiên đầu tiên là 240.000 đồng/cp. Tới ngày 16/2, cổ phiếu VNZ lên tới hơn 1,56 triệu đồng/cp, tương ứng vốn hóa hơn 55,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,3 tỷ USD).
Hiện VNG có vốn hóa 29.500 tỷ đồng (tương đương hơn 1,2 tỷ USD).
Tuyến cáp quang biển APG thêm 2 lỗi mới
Ngày 20/8, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway – APG chưa thể hoạt động trở lại bình thường từ cuối tháng 8/2023 như kế hoạch dự kiến do phát hiện thêm 2 lỗi mới trên các nhánh S1.9 và S9.
Cụ thể, thời gian khắc phục sự cố trên nhánh S1.7 của tuyến cáp biển APG đã được lùi sang tháng 9, từ ngày 7/9 đến 11/9, thay vì được sửa xong vào cuối tháng 8/2023.
Trong khi đó, 2 sự cố mới trên các nhánh S9 và S1.9 chưa có lịch sửa chữa.
Với ba sự cố chưa được khắc phục, tuyến cáp quang này hiện mất dung lượng trên hướng kết nối từ Việt Nam đi Singapore.
Tuy nhiên, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) nhận định rằng, ảnh hưởng của các sự cố trên tuyến cáp biển APG với các nhà mạng và người dùng Internet tại Việt Nam là không lớn.
Cơn sốt tạo ảnh anime bằng AI tiềm ẩn nguy cơ lộ thông tin cá nhân
Từ giữa tháng 8, ứng dụng Loopsie tích hợp khả năng biến ảnh chụp thành tranh vẽ theo phong cách hoạt hình Nhật Bản (anime) “gây sốt” mạng xã hội Việt Nam.
Trên Facebook và Instagram tràn ngập ảnh chân dung và phong cảnh theo phong cách anime do Loopsie tạo ra. Ứng dụng này nhanh chóng vươn lên trở thành app được tải về nhiều nhất ở Việt Nam.
Loopsie xuất hiện trên nền tảng iOS và Android từ năm 2018. Nhưng phải đến khi “cơn sốt” AI lan rộng trên toàn cầu, nhà phát triển của Loopsie bắt đầu tích hợp tính năng biến ảnh chụp thành tranh anime.
Tuy nhiên, hiện Loopsie chỉ còn phiên bản dành cho iOS. Phiên bản dành cho Android đã bị xóa khỏi Google Play không rõ lý do.
Theo một chuyên gia bảo mật, người dùng nên thận trọng khi trao ảnh cá nhân cho nhà cung cấp dịch vụ sử dụng. Hành động này tiềm ẩn nguy cơ lộ, lọt dữ liệu cá nhân.
Vị chuyên gia này khuyến cáo người dùng không nên đưa ảnh nhạy cảm, riêng tư vào app. Vì nó có thể được dùng cho nhiều mục đích, thậm chí cả lừa đảo mà không thể kiểm soát.
(Tổng hợp)