Trước khi bắt tay vào việc làm website WordPress của mình có mặt trên Internet, mình cần các bạn ít nhất là hiểu cơ chế vận hành của một website trên môi trường internet vì kết thúc bài này, bạn sẽ hiểu được khái quát và hiểu được chúng ta sẽ cần làm gì tiếp theo.
Hãy lưu ý rằng, những gì mình giải thích trong đây dựa vào kinh nghiệm của cá nhân Thạch Phạm và mình sẽ giải thích theo phong cách đơn giản, lược bỏ càng nhiều học thuật càng tốt để đảm bảo tất cả mọi người sử dụng máy tính và internet đều có thể hiểu được, đó cũng là phương châm viết bài của website cddos.net.
Như bạn đã cài localhost và cài đặt website WordPress trên localhost có thể biết rằng, các mã nguồn WordPress sau khi tải về từ địa chỉ https://wordpress.org sẽ được bỏ vào thư mục của localhost để chúng ta có thể chạy được với đường dẫn http://localhost/. Như vậy chúng ta nên tạm hiểu rằng, một website WordPress sẽ được vận hành bởi mã nguồn của nó đang được thực thi trong localhost và dữ liệu thêm vào sẽ được lưu vào cơ sở dữ liệu (database) mà bạn đã từng tạo ra trong phpMyAdmin ở bước cài đặt localhost.
Cái localhost này được gọi là host – tức là nơi lưu trữ bộ mã nguồn và cơ sở dữ liệu của website WordPress.
Tuy nhiên, localhost chỉ là một môi trường host ảo được giả lập trên máy tính cá nhân để hỗ trợ chúng ta có thể chạy được các mã nguồn cần phiên dịch (WordPress sử dụng một ngôn ngữ phiên dịch là PHP).
Và để website của mình có thể được truy cập tự do trên internet, chúng ta sẽ cần đặt mã nguồn và cơ sở dữ liệu trên một máy chủ chuyên dụng được kết nối mạng internet băng thông rộng, được cài các phần mềm chuyên dụng để vận hành một website nhằm giúp mọi người ở trên toàn thế giới có thể truy cập vào website của mình.
Cái host mà mình đang nói tới đây là một không gian lưu trữ dữ nhỏ trên một máy chủ vật lý (Dedicated Server) to lớn, được gọi là Shared Host. Mỗi gói host này chúng ta sẽ đều được kết nối thông qua một địa chỉ IP và nó được phân cấp thư mục giống hệt như localhost. Hãy thử tưởng tượng bây giờ mình có một địa chỉ host của mình là http://123.456.78.9/cddos/ thì nếu mình cài đặt một website WordPress trên thư mục gốc của host thì dĩ nhiên website mình sẽ có một địa chỉ truy cập là http://123.456.78.9/cddos/.
Trong WordPress, host sẽ có vai trò phiên dịch các mã PHP trong mã nguồn WordPress, nhận truy vấn từ người dùng, lưu dữ liệu vào cơ sở dữ liệu và gửi dữ liệu từ cơ sở dữ liệu đến người dùng.
Tạm thời các bạn nên hiểu host là một mảnh đất và website của bạn là một ngôi nhà trên mảnh đất đó. Dĩ nhiên, bạn có thể xây nhiều căn nhà trên cùng một mảnh đất nếu khả năng host của bạn cho phép. Tạm thời bây giờ bạn nên hiểu như thế, mình sẽ giải thích thêm ở phần mua host.
Như bạn đã thấy mình giải thích host sẽ có một địa chỉ là http://123.456.78.9/cddos/ mà trong đó, cddos chính là username truy cập vào host của mình. Thế nhưng website mà mang cái địa chỉ như thế thì thật là chuối quá, do vậy chúng ta sẽ tìm một cái địa chỉ khác đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn mà cái địa chỉ đó ở đây chúng ta sẽ gọi là domain (tức tên miền).
Trước tiên, bạn cần hiểu tên miền là một địa chỉ world-wide-web dạng www.tên-bạn-đặt.com, trong đó www không cần bắt buộc phải viết vì bạn có thể sử dụng tên miền không có www, và cái .com nghĩa là đuôi (hoặc phần mở rộng) của tên miền, bạn có thể dùng nhiều đuôi khác nhau như .net, .info, .org, .vn,….nhưng mình khuyến khích bạn nên chọn .com vì nó thông dụng, hoặc nếu .com không có tên đẹp thì .net là lựa chọn cũng tốt.
Tên miền sẽ có nhiệm vụ phân giải cái địa chỉ IP của host để có thể truy cập vào các dữ liệu có trên host (website) thông qua tên miền. Tạm hiểu vậy nha và mình sẽ giải thích kỹ hơn ở phần mua tên miền.
Các khái niệm về cách hoạt động của website trên môi trường internet, khái niệm về tên miền và host khá là dài nhưng mình đã cố gắng lược bớt để nó ngắn nhất có thể mà vẫn đảm bảo bạn hiểu được bản chất của nó, mình hy vọng là bạn sẽ có thể dễ dàng hiểu được những gì mình đã đề cập trong bài này. Ở bước tiếp theo, mình sẽ giải thích kỹ hơn về khái niệm host và tên miền cũng như cách mua nó để bạn bắt đầu đưa website của mình lên.