Các chuyên gia Wells Fargo nhận định doanh nghiệp viễn thông Mỹ sẽ đầu tư mạnh tay trở lại cho mạng lưới 5G kể từ năm 2024.
Điểm đáy đầu tư vốn 5G
“Chúng tôi nhận định năm 2024 có thể là ‘điểm đáy’ về vốn đầu tư của nhà mạng toàn ngành, với tổng vốn khoảng 27 tỷ USD, trong đó Verizon, AT&T và Dish Network đều góp phần làm giảm vốn đầu tư nói chung”, các chuyên gia phân tích tài chính tại Wells Fargo lưu ý các nhà đầu tư.
Cũng theo báo cáo, đầu tư vào mạng không dây đến năm 2025 trung bình ước đạt 32 tỷ USD/năm trong 6 năm đầu tiên. Trong khi đó, cả chu kỳ triển khai 4G kéo dài một thập kỷ, số vốn này là 29 tỷ USD/năm. Mức tăng trưởng cũng được nhận định thấp hơn nhiều, 10% so với 30-35% từng được ghi nhận khi thế giới chuyển từ 3G sang 4G.
“Tất nhiên, đây một phần là sự trưởng thành tự nhiên của lĩnh vực khi các nhà mạng hợp nhất và tốc độ tăng trưởng thuê bao bắt đầu chậm lại. Nhưng đó cũng là dấu hiệu cho thấy các yếu tố kinh tế vĩ mô khác, bao gồm lãi suất tăng nhanh và lạm phát cao trở thành trở ngại hoặc làm chậm hoạt động đầu tư hơn mức bình thường”, trích báo cáo.
Các nhà khai thác mạng không dây tại Mỹ đã chi rất nhiều tiền trong những năm gần đây cho việc nâng cấp tháp di động và sóng vô tuyến, phục vụ cho chuyển đổi từ 4G sang 5G. Tuy nhiên, họ đã bắt đầu hạ mức chi tiêu khi tăng trưởng doanh thu sụt giảm.
Mặc dù có “sự phấn khích” đáng kể đối với các ứng dụng 5G mới, song lợi nhuận thu được từ chu kỳ vốn đầu tư gần đây vẫn đáng thất vọng. Wells Fargo cho hay, các nhà mạng AT&T, Verizon, T-Mobile và Dish Network đã đầu tư tổng cộng hơn 230 tỷ USD cho mạng không dây và giấy phép phổ tần trong giai đoạn từ 2020 đến 2023. Thế nhưng, EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) chỉ đạt 10 tỷ USD, phần lớn trong số này có được nhờ sự hợp nhất cắt giảm chi phí giữa Sprint và T-Mobile.
Dấu hiệu khả quan
Wells Fargo lập luận rằng chi tiêu có thể tăng bắt đầu từ năm 2024, khi mức tiêu thụ dữ liệu di động tiếp tục tăng cao, cũng như sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thiết bị 5G.
Các chuyên gia phân tích tài chính tại TD Cowen, có chung nhận định: “Các cuộc kiểm tra của chúng tôi cho thấy, dường như mức chi tiêu sẽ tăng trở lại vào mùa xuân năm 2024”, dù vẫn ở mức khiêm tốn.
Những cảnh báo về giảm tốc đầu tư cho mạng lưới 5G lần đầu tiên xuất hiện gần cuối năm ngoái, khi Morgan Stanley dự báo “Verizon và T-Mobile sẽ hạ mức đầu tư đáng kể”, trước khi ngày càng xuất hiện dày đặc trên truyền thông vào đầu năm 2023.
Các dấu hiệu càng trở nên rõ ràng vào mùa hè khi Nokia, Ericsson, Jupiter Networks, Corning hay các công ty viễn thông khác, lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý II “đầy u ám”.
“Mặc dù chúng tôi luôn dự đoán mức tăng trưởng cho thuê tháp di động trong nước sẽ ở mức vừa phải khi bước sang năm 2023, nhưng thực tế kết quả còn thấp hơn trong quý II đối với một số khách hàng”, Jeffrey Stoops, CEO SBA Communications, công ty chuyên cho thuê tháp phát sóng cho biết.
Trọng tâm của vấn đề là quá trình xây dựng 5G băng thông tầm trung của T-Mobile, Verizon và AT&T. Sau khi bỏ ra hơn 100 tỷ USD, các nhà khai thác cần mạnh tay để đưa phổ tần nào vào hoạt động trong mạng lưới 5G của họ.
Hãng phân tích tài chính MoffettNathanson nhận định, việc cho thuê tháp di động của T-Mobile sẽ khởi sắc vào năm 2024 khi họ triển khai băng tần C và phổ tần 3,45 GHz. Trong khi đó, Dish Network buộc phải tăng cường đầu tư trong năm 2024 để tránh bỏ lỡ mốc phủ sóng 5G tại 75% khu vực địa lý, trước thời điểm tháng 6/2025.
(Theo LightReading)
Muốn kiếm tiền từ 5G, nhà mạng cần hướng đến khách hàng doanh nghiệp
Nhà mạng Hàn Quốc muốn cạnh tranh được với Big Tech