4 sự thật đau lòng của Shared Host

Shared Host nghĩa là một gói nhỏ trong một máy chủ lớn và ở đó nó có nhiều website cùng hoạt động và sử dụng tài nguyên trên cùng một máy chủ. Đây là sự lựa chọn cơ bản nhất cũng là phổ biến nhất để triển khai các website cỡ nhỏ và vừa vì nó có giá khá rẻ, dễ sử dụng, không mất công tự quản lý và cấu hình giống như một số nhà cung cấp shared hosting nổi tiếng thế giới như Hostgator, Bluehost, Justhost,..v…v..

Nhiều người nghĩ rằng chất lượng nó sẽ ra sao khi có giá rẻ như thế? Thật ra cho dù nó mang một cái giá khá hấp dẫn như vậy nhưng theo mình đó là một giải pháp tốt nhất, an toàn nhất và tiết kiệm nhất để triển khai một website cỡ vừa trong thời gian đầu. Đơn giản là chỉ cần vào trang chủ của họ, đăng ký 1 gói hosting rồi chuyển khoản là có ngay tài khoản đăng nhập để sử dụng, chỉ vỏn vẹn chưa đầy 30 phút. Nếu như website của bạn không cần thiết để sử dụng nhiều băng thông hay dung lượng thì đây là một sự lựa chọn vô cùng hợp lý và chính xác hơn là bạn không còn sự lựa chọn tiết kiệm nào tốt hơn.

 

Tuy nhiên, bạn cũng nên biết rằng (và hình như đã biết) nó cũng có rất nhiều chuyện bất cập xoay quanh chất lượng không như trong lời quảng cáo của các nhà cung cấp. Nếu các bạn không muốn bỏ ra nhiều hơn 10$ mỗi tháng để sử dụng các gói hosting cao hơn như VPS hay Dedicated Servers thì có thể chấp nhận những vấn đề khó nói đó, nhưng cũng sẽ không bao giờ thừa khi các bạn biết 4 điều cần nên biết về Shared Host dưới đây.

1. Không Giới Hạn nghĩa là Có Giới Hạn

3 nhà cung cấp shared hosting tốt nhất hiện nay hầu như đều cho phép sử dụng băng thông và dung lượng lưu trữ Unlimited (không giới hạn). Nếu suy nghĩ theo một cách thông thường thì điều này có nghĩa là bạn có thể sử dụng bao nhiêu băng thông và upload bao nhiêu file lên host cũng được, chẳng phải bận tâm gì cả.

Nhưng bạn thử nghĩ xem, một dàn máy chủ hùng hậu có thể chịu nổi bao nhiêu website sử dụng “không giới hạn” tài nguyên trên đó? Thực tế là con số này phải lên tới hàng triệu website khác nhau nếu như đó là những nhà cung cấp nổi tiếng thế giới. Dĩ nhiên máy chủ thì vẫn là cái máy, chính nó còn có giới hạn chứ đừng nói đến việc “con” của nó được không giới hạn.

Họ chấp nhận cho bạn sử dụng không giới hạn tài nguyên, nhưng bên cạnh đó có một số thông tin mà họ KHÔNG HỀ NHẮC ĐẾN ở trang chủ hay trong bản hợp đồng sử dụng mà điển hình là giới hạn số lượng tập tin nhất định hay giới hạn CPU Load hay thậm chí là giới hạn kích thước database, số request kết nối đến máy chủ. Trong các trường hợp này, làm sao các bạn sử dụng được cái gọi là “không giới hạn” khi bị kìm kẹp như thế, có khi bạn cũng không có cơ hội sử dụng 10% tài nguyên vốn có trong mỗi gói hosting nữa.

Vì vậy, nếu bạn đang có ý định tìm một hosting “unlimited” như nghĩa đen của nó thì hãy quên đi, mà hãy nghĩ đó là do lỗi chính tả của nhân viên ghi nhầm Limited thành Unlimited  :sogood: . Nhưng nếu website bạn có lượt truy cập dao động từ 0 đến 5.000 traffic mỗi ngày thì các nhà cung cấp kể trên đều rất tốt để bạn nên sử dụng, chính mình cũng đang sử dụng hosting “không giới hạn” đây.  :misdoubt:

Shared Host quốc tế chất lượng cao

2. Tình trạng “chết chùm”

Nói văn hoa thì nghĩa là “tối lửa tắt đèn có nhau, có sướng cùng hưởng có họa cùng chia”. Như mình đã nói ở trên, mỗi shared hosting là một phần nhỏ trong một máy chủ riêng và bạn sẽ bị ảnh hưởng nếu như một trong hàng ngàn website khác trên cùng máy chủ có vấn đề. Hãy tưởng tượng về một cái chung cư, nhỡ như xui xẻo có 1 căn hộ trong cái chung cư đó bị cháy thì có phải gây nguy hiểm cho các căn hộ cùng chung cư không. Shared Host cũng vậy, nếu như các website trên máy chủ đó hoạt động tốt, sử dụng đúng giới hạn của tài nguyên cho phép thì sẽ không có vấn đề gì, nó đáng với cái giá gần 10$ mỗi tháng.

Nhưng nếu như một trong các website sử dụng quá tài nguyên cho phép hay cụ thể hơn là bị các hình thức tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), gây ảnh hưởng đến việc “thông thoáng” các dữ liệu trên cùng một máy chủ thì nghĩa là website bạn cũng không thể nào yên ổn mà làm ăn được. Đi xa hơn là các vấn đề về bảo mật, tuy rằng các nhà cung cấp shared hosting hàng đầu thế giới luôn có cơ chế bảo mật rất tốt và hầu như ít có trường hợp nào có thể lưu trữ các dữ liệu chứa các mã độc được sống sót trên máy chủ. Nhưng với các nhà cung cấp kém chất lượng hơn thì chuyện này xảy ra như cơm bữa, đơn cử như trước đây có một số nhà cung cấp hosting Việt Nam cũng bị vấn đề này, chỉ cần một tin tặc upload thành công 1 “con shell” lên trên host là có thể deface và kiểm soát tất cả các cơ sở dữ liệu của các website khác nằm trên cùng một máy chủ.

3. Những mối phiền phức từ những “hàng xóm”

Các shared hosting có thể bị ảnh hưởng lẫn nhauỞ các nhà cung cấp shared hosting tốt nhất thế giới thì họ luôn có những quy định rất khắc khe về tài nguyên sử dụng, nếu website bạn ngốn quá nhiều tài n
guyên cho phép thì họ sẽ yêu cầu bạn nâng cấp lên gói máy chủ cao hơn hoặc là sử dụng nhà cung cấp khác nhằm đảm bảo quyền lợi và tránh những ảnh hưởng không đáng có đến các website khác cùng máy chủ (load chậm vì RAM bị sử dụng quá nhiều).

Nhưng còn ở các nhà cung cấp quy mô nhỏ hơn thì sao? Dĩ nhiên với các nhà cung cấp nhỏ thì không ai lại muốn tự đuổi khách hàng của mình đi cả và họ sẽ tìm mọi cách khắc phục. Vi dụ như hôm nay anh kia bị DDoS nhiều quá nên các kỹ sư phải bật tường lửa lên, thế là tự dưng các website khác có thêm cái tường lửa không đâu vào đâu, gây khó khăn cho người khác truy cập. Hoặc là giới hạn request gửi lên máy chủ, thành ra các website khác lớn hơn trên cùng máy chủ thường xuyên gặp lỗi quá tải. Hay bất cứ một lý do nào khác mà để nhà cung cấp có thể can thiệp vào để hạn chế những tình huống xấu khác, dù đó là hành động “chung tay vì cộng đồng” nhưng hình như nó sẽ ảnh hưởng đến những website mà đúng ra là họ không nên nhận được.

4. Có thể bị phân biệt đối xử

Nghe thì có vẻ nặng nề quá nhưng đúng hơn là họ sẽ không xem bạn như là một khách hàng thật sự. Tình trạng này trên các nhà cung cấp hosting hàng đầu thế giới thì ít xảy ra hoặc không có nhưng nó là chuyện bình thường ở huyện đối với các nhà cung cấp khác. Bạn bỏ ra 10$ cho mỗi tháng để sử dụng các dịch vụ của họ nhưng bạn có thể bị tống cổ ra khỏi hệ thống bất cứ lúc nào nếu không tuân thủ các quy định của họ, tất nhiên là bạn không có đủ thời gian để khiếu nại hay sao lưu các dữ liệu nữa.

Như các trường hợp liên quan đến bảo mật mà mình đã kể trên, đối với các nhà cung cấp đàng hoàng thì họ còn ít nhất là thông báo cho bạn biết website bạn đang gặp vấn đề gì và sẽ “ve vãn” để yêu cầu bạn nâng cấp gói hosting lên. Nhưng đối với số nhiều nhà cung cấp khác thì khi họ phát hiện ra website bạn đang gặp vấn đề về bảo mật hay bị DDoS thì sẽ ngang nhiên đóng tài khoản của bạn ngay lập tức để tránh khỏi bị những lời phàn nàn từ những khách hàng khác trên cùng một máy chủ. Họ có thể gửi cho bạn bản sao lưu để bạn “dọn nhà” đi nơi khác, nhưng cũng có thể nhận được câu trả lời là “Dữ liệu của bạn có thể bị nhiễm mã độc và chúng tôi đã xóa vĩnh viễn nó ra khỏi máy chủ để đảm bảo an ninh” hay đại loại là “Hệ thống đã tự động xóa vĩnh viễn các dữ liệu bị nghi ngờ….“.

Nhưng đáng mừng thay, tình trạng này bây giờ đã ít đi do các công nghệ bảo mật đã có phần tiên tiến hơn, nhưng tốt nhất là hãy chọn các nhà cung cấp shared hosting uy tín và chất lượng cao mà dùng.

Đừng phụ thuộc quá nhiều vào Shared Host

Sau khi đọc 4 nhược điểm kể trên thì bạn cũng đã hiểu được shared hosting có thể gây ra những phiền toái gì cho bạn. Trong bài này không phải mình muốn các bạn ngừng sử dụng shared hosting mà chỉ để cho các bạn thấy những nhược điểm cốt yếu của nó mà bạn cần phải biết để có thể tự suy nghĩ xem có thích hợp để sử dụng nó hay không.

VPS chất lượng cao

Nếu như bạn có một website nhỏ hoặc vừa thì hãy sử dụng shared hosting của các nhà cung cấp uy tín và chất lượng hàng đầu thế giới mặc dù giá cả của nó cũng không cao hơn các nhà cung cấp khác bây nhiêu, có khi còn rẻ hơn. Bằng việc sử dụng các shared hosting ở đây, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ và chất lượng dịch vụ xứng đáng với đồng tiền bỏ ra và dĩ nhiên sẽ không phải gặp các phiền toái liên quan đến các vấn đề bảo mật.

Nhưng nếu website của bạn đang phát triển mạnh và cần một chốn cư ngụ an toàn hơn, hãy nghĩ đến việc sử dụng VPS hay các máy chủ riêng để website có thể đạt tốc độ kết nối ổn định và nhất là không bị mắc các vấn đề có thể làm website của bạn đi xuống như quá tải, thiếu băng thông, bảo mật.

Hy vọng với một số kinh nghiệm cơ bản trên sẽ giúp cho bạn có thêm một chút hiểu biết về hình thức shared hosting và giúp bạn cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn sử dụng một shared hosting của một nhà cung cấp nào đó. Nếu bạn đang có thắc mắc cần giải đáp liên quan đến shared hosting thì hãy gửi câu hỏi ngay tại bài viết này, mình sẽ cố gắng giải đáp cho các bạn.

Leave your comment