Hải Phòng là thành phố đầu tiên tại Việt Nam có nhà máy thông minh vận hành với công nghệ 5G. Ông có thể chia sẻ câu chuyện với kinh nghiệm, các giải pháp hỗ trợ mà thành phố đã thực hiện để tập đoàn Pegatron và Viettel có thể tạo nên sự kiện này?
Ông Hoàng Minh Cường: Với chủ trương đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số là một nội dung quan trọng tạo nền móng thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, trong thời gian qua thành phố đã triển khai các chương trình phối hợp các tập đoàn viễn thông để thúc đẩy phát triển hạ tầng số trên địa bàn.
Đó là việc ngầm hoá, xây lắp các tuyến cáp quang dung lượng lớn, triển khai xóa các vùng lõm sóng, thúc đẩy phát triển thuê bao 4G và cáp quang băng rộng, xây lắp các trung tâm dữ liệu lớn, nghiên cứu khả thi triển khai cáp quang biển, và triển khai thử nghiệm công nghệ 5G tại các khu vực quan trọng như trung tâm thành phố, điểm du lịch, siêu thị lớn…
Hải Phòng là thành phố có thế mạnh về công nghiệp và cảng biển, do đó để phát huy các lợi thế của mạng 5G đối với lĩnh vực công nghiệp và logistics, Hải Phòng đã chủ động triển khai một số hoạt động thúc đẩy bao gồm: ký kết chương trình phối hợp cùng Bộ TT&TT (trong đó có nội dung thúc đẩy triển khai 5G tại Hải Phòng); tổ chức một số hội thảo về công nghệ 5G, giới thiệu 5G trong các hội thảo khoa học, hội thảo về logistics và công nghiệp… để giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp tại Hải Phòng; kết nối, xúc tiến tìm kiếm các đối tác sẵn sàng tham gia; phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông lớn như Viettel và VNPT để triển khai thí điểm 1 số mô hình như 5G cho cảng biển (tại cảng Tân Vũ và Đình Vũ) và tại nhà máy của tập đoàn Pegatron.
Việc Viettel công bố lần đầu thử nghiệm thành công 5G Private Mobile Network tại Hải Phòng là một dấu mốc quan trọng, không chỉ minh chứng cho năng lực kỹ thuật của doanh nghiệp, tính năng ưu việt của mạng 5G, mà còn làm tăng sức thu hút đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đầu tư vào các khu công nghiệp công nghệ cao tại Hải Phòng.
Tôi tin rằng sự thành công này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác với công nghệ 5G, mở ra tương lai tốt đẹp cho nền kinh tế Hải Phòng.
Một nhà máy thông minh vận hành với 5G PMN có gì vượt trội so với các nhà máy thông minh khác, thưa ông? Nếu không dùng 5G PMN, chúng ta có giải pháp công nghệ nào khác hay không?
Mạng 5G có những ưu thế vượt trội rất quan trọng với lĩnh vực công nghiệp như: hỗ trợ tốc độ cao, mật độ kết nối lớn, độ trễ siêu thấp, bảo mật tốt, có mô hình vùng phủ linh hoạt, hỗ trợ tính toán tại biên mạng … Do đó 5G có thể hỗ trợ rất tốt cho các nhà máy thông minh có trang bị nhiều robot điều khiển tập trung, nhiều cảm biến IoT, hoặc có các phương tiện tự lái…
Việc ứng dụng 5G PMN vào hoạt động sản xuất cũng thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất tự động hoá thông minh, giúp tăng năng suất, cho phép ứng dụng các hình thức quản lý chất lượng toàn trình tập trung, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trên thực tế, các nhà máy công nghệ cao và một số cảng biển thông minh tại Hải Phòng trước đây đã ứng dụng một số công nghệ không dây như Wifi, LoraWAN trong hoạt động vận hành khai thác. Tuy nhiên,do hạn chế của các công nghệ nêu trên, việc ứng dụng chủ yếu vẫn chỉ dừng ở cung cấp kết nối mạng, giới hạn ở phạm vi vùng phủ sóng, tốc độ truyền dữ liệu, số thiết bị có thể kết nối…
Việc sử dụng công nghệ với tần số không cấp phép cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề về chất lượng, tính bảo mật. Việc chuyển sang sử dụng mạng viễn thông 5G do nhà mạng cung cấp có thể khắc phục các yếu điểm nêu trên, đáp ứng các nhu cầu cao cấp của các doanh nghiệp công nghệ cao, thế hệ mới.
Hải Phòng có kế hoạch đẩy mạnh hợp tác trong việc phát triển 5G PMN tại thành phố cảng trong thời gian tới hay không thưa ông?
Thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế xã hội, là một trong những địa phương dẫn đầu về cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh và đang có những bước chuyển mình căn bản trong sự nghiệp chuyển đổi số hướng tới xây dựng thành phố thông minh, kiến tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Với vị thế cảng biển lớn nhất miền Bắc, nằm ở vị trí địa lý đặc biệt, luôn đón đầu làn sóng hội nhập, có nhiều cảng đã và đang chuyển đổi sang mô hình cảng thông minh; quy tụ nhiều khu công nghiệp, công nghệ cao, là điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn quyết liệt trong việc chỉ đạo và triển khai thực hiện cũng như đã có những thành tựu bước đầu về chuyển đổi số.
Thành phố Hải Phòng và Viettel đã có nhiều hợp tác thành công trong tiến trình chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ như phát triển hạ tầng viễn thông, ngầm hóa cáp viễn thông, chỉnh trang đô thị; hỗ trợ triển khai Cổng thông tin đất đai của thành phố Hải Phòng, thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh, giám sát an toàn thông tin cho thành phố; Triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe, y tế cơ sở v.v.
Viettel là một doanh nghiệp lớn đồng hành để xây dựng cơ sở hạ tầng số, Hải Phòng có nhiều tiềm năng để phát triển về mọi mặt kinh tế, xã hội trong tương lai. Đây cũng chính là nền tảng, điều kiện quan trọng tạo nên sức hút cho thành phố đối với các đối tác đầu tư trong nước và quốc tế.
Từ nhà máy này, Hải Phòng kỳ vọng có thể mở rộng ứng dụng mô hình vào các lĩnh vực khác từ sản xuất đến cảng biển, sân bay cũng như các nhà máy của các doanh nghiệp lớn khác.
Theo ông, việc mở rộng như vậy có những thuận lợi và thách thức nào? Từ phía chính quyền, có thể làm gì để giải quyết các thách thức đó?
Sự kiện thử nghiệm thành công dịch vụ mạng di động 5G dùng riêng cho nhà máy Pegatron tại Hải Phòng khẳng định Việt Nam đang đồng hành với thế giới trong xu hướng công nghệ tiên tiến nhất. Mạng 5G Private Mobile Network là một xu thế đang phát triển nhanh trên thế giới, đặc biệt hiệu quả đối với các doanh nghiệp có nhà máy, kho tàng, bến cảng, sân bay… vốn đòi hỏi khả năng kết nối an toàn, tin cậy mà wifi chưa đáp ứng được.
Việc phát triển mạng 5G sẽ là nền tảng hạ tầng để phát triển giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh… Công nghệ 5G cùng với trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, kết nối cho phép doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái kết nối đa dạng góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững.
Bênh cạnh các ưu điểm vượt trội và tiềm năng rất lớn thì mạng 5G cũng đặt ra nhiều thách thức. Hạ tầng công nghệ thông tin đang triển khai tại các doanh nghiệp phần lớn cũng là công nghệ cũ.
Để sẵn sàng cho công nghệ 5G, doanh nghiệp sẽ phải thay đổi hạ tầng công nghệ thông tin. Để 5G phát triển thì phải có ứng dụng đi kèm, trong lĩnh vực giao thông thông minh như xe tự lái, kết nối camera AI giám sát an ninh trật tự, điều tiết giao thông theo thời gian thực; lĩnh vực sức khỏe thông minh như phẫu thuật từ xa,… đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, song nhu cầu trong lĩnh vực này còn hạn chế. Vấn đề bảo mật, an toàn an ninh mạng cũng là một thách thức vô cùng lớn.
Để giải quyết bài toán trên, cần có lộ trình phù hợp, trước mắt thành phố sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng 5G tại các khu công nghiệp, cảng biển, logistics, khu vực trung tâm thành phố.
Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện, hoàn thiện hạ tầng số, phát triển dữ liệu số, dịch vụ số, đảm bảo an toàn thông tin. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, sản xuất sản phẩm, dịch vụ số, hình thành hệ sinh thái cho chuyển đổi số, việc ứng dụng 5G sẽ trở thành phổ cập trong tương lai.
Năm 2022, chỉ số đánh giá xếp hạng chuyển đổi số DTI của Hải Phòng xếp thứ 14 cả nước, tăng từ bậc 16 của năm 2021 và bậc 21 của năm 2020. Con số này cho thấy sự chuyển động mạnh mẽ của thành phố trong chuyển đổi số.
Xin ông chia sẻ, 3 năm qua, thành phố đã có những hành động nào để đạt được kết quả như vậy?
Để có kết quả trên, những năm qua thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện chuyển đổi số, đó là việc Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Ban chỉ đạo, ban hành chương trình, hành động, kế hoạch hằng năm với các nhiệm vụ cụ thể về phát triển hạ tầng, phát triển nền tảng, dữ liệu số.
2 năm liền 2022, 2023, thành phố chọn chủ đề năm là “Đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới và thực hiện chuyển đổi số”. Hằng năm ưu tiên kinh phí ngân sách đầu tư cho thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số chiếm 2% chi ngân sách khoảng từ 600-700 tỷ đồng.
Chủ động, tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành liên quan, sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin; tham khảo, học tập kinh nghiệm thực tế của các địa phương, khắc phục tồn tại, khó khăn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Theo ông, để lọt vào top 5, top 10 xếp hạng DTI (chỉ số chuyển đổi số), Hải Phòng cần có chiến lược ra sao?
Thành phố xác định chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp nhằm phục vụ tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội thành phố.
Ưu tiên chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đối với những ngành, lĩnh vực tạo thế và lực cho phát triển kinh tế – xã hội với ba trụ cột Công nghiệp công nghệ cao, Cảng biển – Logistics, Du lịch – Thương mại.
Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách.
Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực để chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát và vận hành thành phố thông minh.
Nếu nhân rộng được mô hình thành công của Pegatron, bức tranh của Hải Phòng sẽ như thế nào?
Hải Phòng là thành phố Cảng, trung tâm công nghiệp với 1 khu kinh tế, 14 khu công nghiệp, 13 cụm công nghiệp, 6.000ha đất công nghiệp; những năm qua lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử của thành phố đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn điện tử LG, Fuji Xerox, Haengsung Electronics, VinGroup… thu hút trên 25 tỷ USD FDI.
Theo công bố kết quả đo lường về chỉ số phát triển kinh tế số của Bộ TT&TT, kinh tế số Hải Phòng đạt tỷ trọng trên 29% so GRDP, đứng thứ 4 cả nước.
Nếu nhân rộng mô hình thành công của Pegatron, Hải Phòng sẽ là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong phát triển hạ tầng số, phát triển công nghiệp công nghệ cao, sớm về đích trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á trước năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Cảm ơn ông!