Nikkei cho biết các quan chức quốc phòng Nhật Bản đã lên kế hoạch tổ chức các cuộc hội thảo thường xuyên với giới học giả về việc chia sẻ các nghiên cứu liên quan công nghệ lưỡng dụng, trong bối cảnh lằn ranh truyền thống giữa dân sự – quân sự ngày càng phai mờ.
Theo đó, đây là lần đầu tiên các cuộc đối thoại kiểu này được tổ chức tại Nhật Bản. Tokyo mong muốn ứng dụng nhiều hơn các nghiên cứu mới nhất của giới học thuật vào phạm vi hoạt động của quốc phòng, cũng như công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) thiết bị quân sự.
“Chúng tôi sẽ thiết lập một cơ chế để chuyển đổi công nghệ dân sự sang quốc phòng”, tướng Yoshihide Yoshida, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF), cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7.
Sĩ quan cao cấp nhất của JSDF cũng nói rằng, “giới hàn lâm từ lâu có xu hướng tránh dính líu đến công nghệ quân sự”, bởi vậy đây là cơ hội để hai bên có thể đối thoại trực tiếp.
Tập trung công nghệ drone và phương tiện tự hành
Khung đối thoại được thiết kế nhằm tập hợp các học giả từ các trường đại học của Nhật Bản, cùng các chuyên gia tại cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc gia, chẳng hạn như cơ quan vũ trụ hay cơ quan khoa học và công nghệ.
Ví dụ, nghiên cứu về máy bay không người lái (drone) và xe tự hành có thể giúp triển khai lực lượng quân sự mà không cần sử dụng hệ thống định vị. Trong khi đó, công nghệ phóng máy bay dân sự và tên lửa có thể được áp dụng để phát triển máy bay chiến đấu tốc độ cao.
Trí tuệ nhân tạo và thử nghiệm máy bay không người lái là hai trong số trọng tâm của Bộ Quốc phòng Nhật Bản trong năm tài chính năm nay. Ngân sách của Tokyo sẽ tài trợ cho các thử nghiệm cải thiện độ chính xác phát hiện tên lửa thông qua sử dụng vệ tinh liên lạc.
Tại Nhật Bản, ngân sách quốc phòng năm tài chính này phân bổ 896,8 tỷ Yên (6,18 tỷ USD) cho R&D trên cơ sở hợp đồng, tăng 200% so với năm trước đó. Số tiền này chiếm 13,1% tổng chi tiêu quốc phòng, ngang với mức khoảng 10% -15% được thấy ở Mỹ và Hàn Quốc.
Nhưng khi nói đến ngân sách tổng thể của Nhật Bản dành cho khoa học và công nghệ, phần dành cho Bộ Quốc phòng chỉ khoảng 5%. Trong khi đó, Washington – đồng minh lớn nhất của Tokyo, dành ra khoảng 50% ngân sách khoa học công nghệ quốc gia để gắn với quốc phòng. Tỷ lệ này ở Anh và Pháp là gần 10%.
Trí tuệ nhân tạo và vũ khí siêu thanh
Một bài báo xuất hiện trên Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân, tờ báo chính thức của lực lượng vũ trang Trung Quốc, vào cuối tháng 5, đã nêu lên nhu cầu cấp thiết tăng cường khả năng của quân đội trong việc kiểm soát không phận tầm thấp, một lĩnh vực chiến đấu ngày càng quan trọng.
Máy bay không người lái được trang bị AI giá rẻ được coi là chìa khóa cho nỗ lực đó. Tại Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng 10/2022, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết tăng tốc phát triển máy bay không người lái và khả năng chiến đấu được trang bị AI.
Trọng tâm của nước này là phát triển học thuyết triển khai và tác chiến drone bầy đàn. Cũng trong năm 2022, tập đoàn Công nghệ Điện tử Quốc gia thuộc sở hữu nhà nước, đã thử nghiệm thành công một đàn 48 máy bay không người lái.
Yếu tố cốt lõi trong ngăn chặn một cuộc tấn công bầy đàn phụ thuộc phần lớn vào khả năng phát hiện và nhắm mục tiêu tiên tiến – những hoạt động trở nên đặc biệt khó khăn để triển khai tại các hòn đảo xa xôi ngoài biển.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản từng nhận định việc “sử dụng máy bay không người lái bầy đàn đổ bộ lên các quần đảo ngoài khơi sẽ tạo ra mối đe doạ to lớn”. Ngoài ra, cơ quan này cũng cho hay, Bắc Kinh đang đẩy mạnh nghiên cứu vũ khí siêu thanh với tầm bắn xuyên lục địa.
Tháng 6/2023, Trung Quốc công bố đường hầm gió tốc độ cao JF-22, một cơ sở thử nghiệm mô phỏng môi trường bay của tên lửa. Đường hầm này được cho là dài nhất thế giới, khoảng 170 mét, cho phép tạo ra luồng không khí gấp 30 lần tốc độ âm thanh.
Trước đó, vào tháng 5, Bắc Kinh đã ban hành các sửa đổi đối với luật nghĩa vụ quân sự theo hướng dễ dàng thuê các sinh viên khoa học và kỹ thuật có kỹ năng về AI và lĩnh vực công nghệ cao để làm việc cho Bộ Quốc phòng.
(Theo Nikkei Asia)
Drone thế hệ mới ‘tham vọng’ xoay chuyển cục diện chiến trường
Hệ thống phòng thủ tên lửa siêu thanh không còn ‘bất khả chiến bại’