Sáng 26/7, tại TP Vũng Tàu, Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức hội thảo phát triển vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin tại 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông chủ trì hội thảo, cùng sự tham gia của lãnh đạo Sở TT&TT 4 tỉnh, TP gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM và một số doanh nghiệp viễn thông.
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, hoàn thiện đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các địa phương trên.
Tại hội thảo, lãnh đạo Sở TT&TT các tỉnh, TP đã trình bày thực trạng, đánh giá lợi thế và tiềm năng phát triển về lĩnh vực công nghiệp, công nghệ thông tin của từng địa phương, đề xuất các giải pháp phát triển.
Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Dương, địa phương này phát triển mạnh về công nghiệp, tuy nhiên nhân lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin còn hạn chế. Do đó, tỉnh này tập trung đổi mới qua mô hình 5 lớp, gồm: nhân lực – chuyển đổi số công nghệ 4.0 – phát triển kinh tế cân bằng – văn hoá đổi mới sáng tạo – quy hoạch đô thị giao thông để từng bước hoàn thiện.
Ông Tuấn Anh đề xuất, để phát triển vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, các địa phương cần chia sẻ thông tin (thế mạnh liên kết vùng, đầu tư, phát triển ICT, công nghệ thông tin…) và trao đổi dữ liệu (đô thị thông minh, hệ thống camera…).
Trong khi đó, ông Tạ Quang Trường, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Đồng Nai, đề xuất cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và trung tâm dữ liệu vùng.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết tỉnh có nhiều lợi thế về cảng biển, du lịch, hệ thống cáp quang biển cập bờ, tỷ lệ người dân dùng smartphone đạt tỷ lệ 98%…, nhưng hạn chế về nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Do đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đưa vào nội dung dự thảo quy hoạch tỉnh hình thành, phát triển trung tâm dữ liệu vùng (HUB) tại tỉnh và hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm IoT, trí tuệ nhân tạo, để tạo khung pháp lý xây dựng, triển khai các nhiệm vụ… tạo lợi thế phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.
Tại hội thảo, các thành viên tham gia đã thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh đánh giá đề án, trong đó về quy hoạch vùng, chỉ số đo kết quả thực hiện đề án. Kiến nghị bổ trợ những hạn chế thiếu sót cho các địa phương, tạo liên kết vùng hiệu quả, trung tâm dữ liệu vùng…
Thống nhất các nội dung hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông cho rằng, các địa phương đều có điểm chung và riêng khi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. Do đó, cần liên kết, hỗ trợ nhau nhằm giảm chi phí, tận dụng lợi thế vùng theo nguyên tắc cộng hưởng để đưa vào xây dựng đề án.
“Ngoài ra, chúng ta cần có chuyên gia tư vấn sâu về dữ liệu, mạng lưới điện, hạ tầng IOC, điện tử công nghệ cao… để có cái nhìn khách quan, tổng thể khi hoàn thiện xây dựng đề án cụ thể chi tiết, trước khi trình Chính phủ”, ông Nghĩa cho hay.
Quang Hưng