Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, trong thời gian gần đây, người dân trên đoạn đường Bà Hạt (Phường 7, Quận 10, TP.HCM), phản ánh tình trạng khoá smartkey của ô tô và xe máy không khởi động được. Sự việc này đã gây ra nhiều bất tiện cho người dân và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong khu vực.
Đây không phải lần đầu tiên người dân phản ánh về hiện tượng này. Từ giữa năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Cục đã nhận nhiều trường hợp can nhiễu tần số gây ảnh hưởng tới việc vận hành smartkey của ô tô, xe máy. Tuy nhiên, điểm khác biệt là các vụ can nhiễu smartkey trước chủ yếu xảy ra trên tần số 433MHz. Vụ việc can nhiễu lần này xảy ra trên tần số 125 kHz tại địa bàn quận 10, TP.HCM.
Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện chia sẻ, ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực II đã thành lập đoàn xử lý can nhiễu, tiếp cận hiện trường, khảo sát và thu đo. Qua quá trình phân tích, đánh giá bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ, Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực II đã nhanh chóng tìm ra nguyên nhân đó là bộ đổi nguồn AC/DC (adapter) dùng để cấp nguồn cho modem truyền hình cáp và Internet của một hộ dân bị lỗi gây ra. Do adapter bị lỗi, bức xạ ra tín hiệu trên dải tần từ khoảng 10kHz-1000kHz, lan truyền theo đường cáp đồng trục và bức xạ ra ngoài không gian gây hiện tượng can nhiễu trên tần số 125 kHz bộ phận thu phát của ô tô, xe máy.
Theo trình bày của chủ sở hữu, khi adapter cũ bị hư, họ đã tự mua một adapter khác không rõ nguồn gốc để thay thế. Sau khi được nghe giải thích, người dân đã phối hợp bàn giao thiết bị này cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, các vụ can nhiễu smartkey trước đây do Cục Tần số vô tuyến điện giải quyết ghi nhận chủ yếu trên tần số 433MHz, tuy nhiên can nhiễu lần này xảy ra trên tần số 125kHz. Khác với công nghệ nhận dạng vô tuyến sử dụng để tìm, đóng mở cửa xe, cửa cuốn… chỉ thông qua kích hoạt smartkey trên tần số 433MHz; Việc nhận dạng để khởi động xe ô tô, xe máy lại được sử dụng công nghệ RFID (Công nghệ RFID – Radio Frequency Identification) chủ động. Quá trình nhận dạng vô tuyến chủ động gồm hai chiều: Từ smartkey tới bộ đọc – Reader (ở ô tô, xe máy) trên tần số 433MHz và từ bộ đọc – Reader phát ra tín hiệu trên tần số thấp 125kHz gửi đến smartkey.
Việc sử dụng công nghệ RFID chủ động làm tăng thêm tính bảo mật, song cũng tăng thêm nguy cơ bị can nhiễu bởi chỉ cần một trong hai tần số bị can nhiễu là quá trình nhận dạng thất bại, dẫn đến không thể khởi động được ô tô, xe máy và nếu không để ý đo đạc trên tần số 125kHz thì sẽ khó tìm nguyên nhân gây nhiễu. Phổ tín hiệu từ adapter bị lỗi thông qua cáp đồng trục bức xạ ra trên dải tần số 10KHz-1000KHz bao trùm lên tần số nhận dạng vô tuyến 125KHz của smartkey ô tô, xe máy
Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện thông tin thêm, cấu hình nhận dạng điều khiển ở đây gồm hai chiều là xe và chìa khóa. Xe phát tần số 125 kHz còn chìa khóa phát tần số 433 MHz. Các trường hợp trước thường nhiễu trên tần số 433MHz, nhiễu cho chìa khóa, bấm cửa,…. Trường hợp này nhiễu trên tần số 125 kHz, nó nhiễu cho thiết bị gắn trên xe. Nếu không để ý đo đạc trên tần số 125 kHz thì sẽ khó tìm nguyên nhân gây nhiễu.
Qua vụ việc xử lý can nhiễu trên tần số 125kHz lần này cho thấy, ngoài nguyên nhân chủ yếu do các thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện khi hoạt động không đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng gây ra; Việc sử dụng các thiết bị điện, điện tử không đáp ứng tương thích điện từ (EMC – ElectroMagnetic Compatibility ) cũng có nguy cơ gây can nhiễu. Vì thế, Cục Tần số vô tuyến điện khuyến cáo các tổ chức/cá nhân chỉ nên mua và sử dụng những thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (được cấp chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy).
Khi gặp hiện tượng nghi ngờ can nhiễu , người dân có thể phản ánh qua số điện thoại đường dây nóng 0862.92.92.92 của Cục Tần số vô tuyến điện, hay thông báo cho các Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực trên cả nước, hoặc các sở Thông tin và Truyền thông ở địa phương để kịp thời giải quyết.