Các cập nhật mới sẽ được bổ sung vào chính sách hạn chế sâu rộng mà Washington đã đưa ra đối với việc vận chuyển chip tiên tiến, cũng như thiết bị bán dẫn tới nền kinh tế số hai thế giới kể từ tháng 10/2022.

Cụ thể, quy định mới sẽ đưa một số dòng chip AI đang được bán cho Trung Quốc, vào danh sách hạn chế, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo cụ thể thông số kỹ thuật của những sản phẩm khác.

“Lỗ hổng” chính sách 

Động thái tiếp tục siết chặt xuất khẩu công nghệ diễn ra trong bối cảnh Mỹ tìm cách làm tan băng mối quan hệ với Trung Quốc. Một số thành viên cấp cao chính quyền Biden đã gặp những người đồng cấp bên kia bán cầu trong những tháng gần đây, và vòng quy tắc mới nhất có nguy cơ làm phức tạp thêm nỗ lực ngoại giao này.

gettyimages 1244769089.jpg
Cuộc chiến công nghệ, với trọng tâm là bán dẫn, giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chính quyền Biden khẳng định những biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm ngăn chặn chip và thiết bị của Mỹ có thể được sử dụng tăng cường sức mạnh cho quân đội Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh cáo buộc Washington “đàn áp” doanh nghiệp nước này.

Những hạn chế xuất khẩu của Mỹ khiến Nvidia, nhà sản xuất chip vốn hoá lớn nhất thế giới, không thể bán hai con chip AI hiện đại nhất cho các khách hàng tại đại lục. Những chip AI do công ty này sản xuất, đang là tiêu chuẩn công nghiệp trong lĩnh vực phát triển chatbot và hệ thống AI.

Song, Nvidia cũng sớm tạo ra những biến thể mới để đưa vào thị trường Trung Quốc. Các sản phẩm này ít phức tạp hơn và dễ dàng vượt qua lệnh kiểm soát xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ. Theo bảng thông số kỹ thuật, con chip được đặt tên H800, được coi là phiên bản “bóp hiệu suất” của chip H100 trong danh sách cấm xuất.

Nguồn tin của Reuters cho biết, chính phủ Mỹ có kế hoạch đưa ra các hướng dẫn mới về chip AI dùng trong trung tâm dữ liệu. Mặc dù không đề cập đích danh H800 của Nvidia, giới phân tích nhận định sản phẩm này nằm trong danh sách cập nhật hạn chế mới của Washington.

Trước đó, vào tháng 6/2023, Giám đốc tài chính Nvidia khẳng định việc H800 và một con chip khác có tên A800 nếu bị hạn chế xuất khẩu, cũng “không có tác động đáng kể ngay lập tức đến kết quả kinh doanh”.

Tiếp tục “bóp” hiệu suất

Theo tiết lộ, những mẫu chip dành cho sản phẩm tiêu dùng như máy tính xách tay sẽ được miễn trừ hạn chế. Song, các công ty vẫn bắt buộc phải thông báo với Bộ Thương mại về các đơn đặt hàng bán dẫn tiêu dùng mạnh mẽ, để đảm bảo chúng không bị sử dụng sai mục đích.

oj6rb57n3bkqndg26ktfptwsoq.jpg
Nvidia đang có một số mặt hàng bán dẫn “tinh chỉnh” dành riêng cho thị trường Trung Quốc.

Nguồn tin cho hay, Washington có kế hoạch loại bỏ “tham số băng thông” đang được sử dụng cho các hạn chế xuất khẩu chip AI trung tâm dữ liệu nhất định, để thay thế bằng hướng dẫn mới, có phạm vi rộng hơn. Điều này đồng nghĩa, tốc độ những con chip AI có thể giao tiếp sẽ bị giới hạn đáng kể.

Hiện nay, các mô hình AI lớn nhất vẫn chưa thể thực hiện quá trình đào tạo trên một con chip đơn nhất, mà yêu cầu nhiều con chip gắn liền với nhau. Nếu tốc độ giao tiếp của những con chip này giảm đi, tương đương việc phát triển AI trở nên khó khăn và tốn kém hơn nữa.

Quan chức giấu tên còn tiết lộ chính quyền có thể đưa ra tiêu chuẩn mới về thông số “mật độ hiệu suất” để ngăn chặn các giải pháp thay thế trong tương lai, nhưng từ chối giải thích chi tiết.

“Kiểm hoá” từng đơn hàng

Mỹ sẽ yêu cầu các công ty thông báo cho nhà chức trách về các chất bán dẫn có hiệu suất thấp hơn quy định, trước khi chúng được chuyển đến Trung Quốc. Washington sẽ quyết định từng trường hợp cụ thể liệu các đơn hàng có gây ra rủi ro an ninh quốc gia hay không.

Bản cập nhật chính sách cũng có thể lấp lỗ hổng cho phép các công ty đại lục tiếp cận những con chip trong danh sách cấm xuất, thông qua các chi nhánh ở nước ngoài.  Vào tháng 6/2023, Reuters đưa tin, những sản phẩm bị Mỹ hạn chế xuất khẩu, vẫn xuất hiện tại chợ điện tử nổi tiếng Thẩm Quyến Huaqiangbei qua các đầu mối lái buôn.

Các quy định dự kiến chưa bao gồm hạn chế quyền truy cập vào dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ hoặc các nước phương Tây khác. Với lĩnh vực này, Mỹ sẽ tham vấn thêm thông tin về rủi ro và giải pháp xử lý.

TSMC tìm ra cách đứng ngoài cuộc chiến bán dẫn Mỹ - Trung

TSMC tìm ra cách đứng ngoài cuộc chiến bán dẫn Mỹ – Trung

TSMC đang nộp đơn xin giấy phép có hiệu lực vĩnh viễn để vận chuyển thiết bị chip Mỹ đến cơ sở sản xuất của họ ở Nam Kinh, Trung Quốc.
‘Điểm nóng’ mới trên mặt trận công nghệ bán dẫn Mỹ - Trung

‘Điểm nóng’ mới trên mặt trận công nghệ bán dẫn Mỹ – Trung

Một công nghệ bán dẫn miễn phí có sẵn được sử dụng rộng tại Trung Quốc, đang trở thành ‘điểm nóng’ tiếp theo trong cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mỹ giải ngân 238 triệu USD thúc đẩy sản xuất bán dẫn

Mỹ giải ngân 238 triệu USD thúc đẩy sản xuất bán dẫn

Bộ Quốc phòng Mỹ cấp 238 triệu USD cho 8 trung tâm vi điện tử khu vực nhằm thúc đẩy sản xuất bán dẫn trên cả nước, đặc biệt là thu hẹp khoảng cách từ phòng thí nghiệm đến nhà máy.