Tuần trước, gã khổng lồ thiết bị viễn thông đại lục bất ngờ tung ra smartphone Mate 60 Pro, sử dụng vi xử lý tiên tiến sản xuất trên tiến trình 7 nanomet (nm) ngay trong thời điểm Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đang có chuyến thăm Trung Quốc và Bắc Kinh chuẩn bị công bố thành lập quỹ hỗ trợ phát triển ngành bán dẫn trị giá 40 tỷ USD.
Những phát hiện của TechInsights, công ty phân tích linh kiện điện tử, trụ sở Ottawa, cũng là đơn vị đầu tiên “mổ bụng” sản phẩm mới nhất của Huawei, cho thấy Trung Quốc đạt được tiến bộ nhất định trong chế tạo chip cao cấp ngay cả khi Mỹ áp đặt nhiều hạn chế xuất khẩu sâu rộng nhằm vào thiết bị đúc chip tiên tiến.
“Nó thể hiện tiến bộ kỹ thuật ngành bán dẫn đại lục có thể đạt được mà không cần các công cụ EUV (máy in thạch bản cực tím)”, Dan Hutcheson, chuyên gia phân tích tại TechInsights nói. “Song, điều này cũng tạo ra thách thức về địa chính trị, có thể dẫn đến các lệnh hạn chế công nghệ sát sao hơn nữa”.
Giới quan sát cho hay, phát hiện về con chip mới có thể kích hoạt cuộc điều tra từ Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ, làm dấy lên câu hỏi về tính hiệu quả của những biện pháp trừng phạt, từ đó tác động đến khả năng quốc hội nước này sẽ đưa thêm nhiều nội dung “khắc nghiệt hơn” vào dự luật cạnh tranh đối với Trung Quốc.
Con chip tiên tiến nhất mà SMIC từng sản xuất được biết đến là 14nm, do doanh nghiệp này đã bị Washington cấm mua máy EUV từ công ty ASML của Hà Lan vào cuối năm 2020.
Song, TechInsights năm ngoái cho biết họ tin rằng SMIC đã đạt năng lực chế tạo chip 7nm bằng cách tinh chỉnh các máy quang khắc thế hệ cũ hơn (DUV) không nằm trong danh sách cấm xuất khẩu.
Do đó, có thể Huawei đã mua công nghệ và thiết bị từ SMIC để sản xuất chip thay vì hợp tác giữa hai doanh nghiệp. Tuy nhiên, Tilly Zhang, nhà phân tích tại Gavekal Dragonomics nhận định, dù là công ty nào đang sản xuất thì việc chỉ có một số lượng giới hạn sản phẩm tung ra thị trường cho thấy tỷ lệ sản lượng thấp, cũng như chi phí công nghiệp đã tăng cao. Cùng với đó, hạn chế xuất khẩu mới do Hà Lan áp đặt cũng khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong tiếp cận máy DUV thời gian tới.
“Họ cho thấy sẵn sàng chấp nhận chi phí cao hơn nhiều so với bình thường để phát hành con chip ra thị trường tiêu dùng. Điều này chỉ có thể xảy ra với sự kết hợp giữa nguồn tài chính dồi dào của Huawei và các khoản trợ cấp hào phóng từ chính phủ”, Zhang phân tích.
Một số công ty nghiên cứu dự báo quy trình 7nm của SMIC có tỷ lệ hiệu suất dưới 50%, so với mức 90% trở lên của ngành và sẽ hạn chế xuất xưởng ở mức khoảng 2-4 triệu chip, không đủ để Huawei lấy lại sự thống trị thị trường điện thoại thông minh trước đây.
Các nhà phân tích của Jefferies cho rằng Huawei đang chuẩn bị xuất xưởng 10 triệu chiếc Mate 60 Pro, mặc dù hãng này có thể gặp khó khăn trong việc hỗ trợ số lượng này bằng chip 7nm do Trung Quốc sản xuất.
Trong trường hợp đó, nó có thể chuyển sang chip 10nm, nhưng hiệu suất ước tính cũng chỉ đạt 20%, Jefferies cho biết.
Doug Fuller, một nhà nghiên cứu chip tại Trường Kinh doanh Copenhagen, cho biết: “Các biện pháp kiểm soát của Mỹ đang áp đặt chi phí cao cho việc sản xuất các công nghệ được kiểm soát ở Trung Quốc”.
(Theo Reuters)
Trung Quốc đạt tiến bộ về bán dẫn nhưng khó tiến xa hơn nữa
Doanh nghiệp bán dẫn Mỹ trước nguy cơ mất chỗ đứng tại Trung Quốc vĩnh viễn