Các nhà nghiên cứu, dẫn đầu là Giáo sư Barbara Pierscionek từ Đại học Anglia Ruskin (Anh), đang nghiên cứu phát triển thành công các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc (RPE) khỏe mạnh và có thể tồn tại đến 150 ngày. Các tế bào RPE nằm ngay bên ngoài phần thần kinh của võng mạc và khi bị tổn thương, có thể khiến thị lực suy giảm.
Bằng cách sử dụng công nghệ “kéo sợi lực điện trường”, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một giàn giáo sinh học (Scaffold) 3D, khi được xử lý bằng steroid fluocinolone acetonide, sẽ tăng cường khả năng phục hồi và phát triển của các tế bào RPE, có khả năng hỗ trợ phát triển mô mắt để cấy ghép.
Bước đột phá này rất quan trọng trong việc phát triển mô mắt để cấy ghép vào mắt bệnh nhân trong tương lai, có thể dẫn đến những phương pháp sáng tạo để điều trị nguyên nhân gây mù lòa phổ biến nhất trên thế giới.
AMD là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở các nước phát triển và dự kiến sẽ gia tăng trong những năm tới do dân số già đi. Nghiên cứu gần đây dự đoán rằng 77 triệu người chỉ riêng ở châu Âu sẽ mắc một số dạng AMD vào năm 2050. AMD có thể được gây ra bởi những thay đổi trong màng Bruch – nơi hỗ trợ các tế bào RPE, và sự phá vỡ của choriocapillaris – lớp mạch máu nằm sát phía bên kia của màng Bruch.
Ở các nước đang phát triển, AMD có xu hướng xảy ra do sự phát triển mạch máu bất thường trong màng đệm và sự di chuyển của chúng vào các tế bào RPE, dẫn đến xuất huyết, bong RPE hoặc võng mạc và hình thành sẹo.
Việc thay thế các tế bào RPE là một trong những lựa chọn đầy hứa hẹn để điều trị hiệu quả các tình trạng về thị lực như AMD. Giáo sư Barbara Pierscionek cho biết: “Nghiên cứu này lần đầu tiên đã chứng minh rằng giàn giáo sinh học Nano được xử lý bằng chất chống viêm như fluocinolone acetonide có thể tăng cường khả năng chống viêm của tế bào RPE. Những thay đổi bệnh lý ở màng này đã được xác định là nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt như AMD, khiến đây trở thành một bước đột phá thú vị có khả năng giúp ích cho hàng triệu người trên toàn thế giới”.
(theo Scitechdaily)