Vài năm trở lại đây, công ty Đài Loan đã đánh cược vào sự trỗi dậy của những công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các bộ vi xử lý. Tuy nhiên, Foxconn đang có khởi đầu đầy khó khăn cho thấy những trở ngại đối với những công ty muốn chen chân vào thị trường bị chi phối bởi các công ty lâu đời với kinh nghiệm dày dặn và chuỗi cung ứng phức tạp.

“Ngành công nghiệp này có những rào cản gia nhập với người chơi mới rất lớn, chủ yếu là mức độ thâm dụng vốn và khả năng tiếp cận những bằng sáng chế quan trọng”, Gabriel Perez, chuyên gia phân tích tại BMI, thuộc Fitch Group cho hay. “Những gã khổng lồ bán dẫn như TSMC, Samsung hay Micron có đến vài thập kỷ nghiên cứu và phát triển (R&D), xây dựng quy trình kỹ thuật cũng như đầu tư hàng ngàn tỷ USD để đạt được năng lực như hiện tại”.

Foxconn, tên chính thức là Tập đoàn Công nghệ Hon Hai, nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng chuyên lắp ráp các sản phẩm tiêu dùng như iPhone. Trong hai năm qua, công ty đã tăng cường sự hiện diện của mình trong lĩnh vực bán dẫn.

Nỗ lực tăng cường lớn nhất diễn ra vào năm ngoái khi Foxconn đạt thoả thuận với tập đoàn Vedanta của Ấn Độ thành lập nhà máy sản xuất bán dẫn và màn hình tại quốc gia này, một phần trong liên doanh trị giá 19.5 tỷ USD.

Năm 2021, Foxconn thành lập liên doanh với công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử Yageo Corporation và thâu tóm một nhà máy chip từ công ty Đài Loan Macronix.

Neil Shah, Phó Chủ tịch nghiên cứu tại Counterpoint Research, cho biết việc Foxconn đẩy mạnh sản xuất chất bán dẫn nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và quyết định thành lập một đơn vị ô tô điện là một phần trong kế hoạch đó. Mục tiêu của công ty Đài Loan là trở thành “cửa hàng một cửa” cho các công ty điện tử và xe hơi.

Nếu Foxconn có thể lắp ráp thiết bị điện tử và sản xuất chip, đó sẽ là một ngành kinh doanh rất độc đáo và cạnh tranh.

“Quyết định thành lập liên doanh của Foxconn ở Ấn Độ đáp ứng hai xu hướng chính, một trong số đó là vai trò ngày càng tăng của thị trường này với tư cách là trung tâm sản xuất điện tử tiêu dùng, xu hướng thứ hai là tham vọng của New Delhi trong phát triển bán dẫn nội địa thông qua trợ cấp và ưu đãi”, Perez của BMI cho biết.

Rút lui trong lặng lẽ

Tháng này, Foxconn thông báo rút khỏi liên doanh với Vedanta. “Cả hai bên đều thừa nhận rằng dự án không tiến triển đủ nhanh, có những thách thức mà chúng tôi không thể giải quyết một cách suôn sẻ, cũng như một số vấn đề bên ngoài khác”.

Theo Reuters, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại là do cuộc đàm phán với nhà sản xuất chip STMicroelectronics, đối tác công nghệ chính của dự án, rơi vào bế tắc.

Bán dẫn vẫn là cuộc chơi của những gã khổng lồ truyền thống.

Foxconn và Vedanta muốn cấp phép công nghệ từ nhà sản xuất châu Âu, còn chính phủ Ấn Độ muốn công ty này có cổ phần trong liên doanh, song STMicro không đồng ý.

Sự thất bại của Foxconn, một công ty khổng lồ vốn hoá 47,9 tỷ USD, cho thấy những công ty mới rất khó tham gia vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.

Theo Counterpoint Research, việc sản xuất chip đang bị chi phối TSMC, công ty Đài Loan sở hữu 59% thị phần trong phân khúc chip thế giới. Để có vị thế như ngày nay, công ty trải qua hơn hai thập kỷ kinh nghiệm và hàng tỷ USD đầu tư. TSMC cũng dựa vào chuỗi cung ứng phức tạp gồm các công ty sản xuất công cụ quan trọng sử dụng trong việc đúc những loại chip tiên tiến nhất.

Trong khi đó, liên doanh Foxconn phụ thuộc phần lớn vào đối tác công nghệ STMicro, còn bản thân họ không có nhiều chuyên môn về bán dẫn.

“Cả hai công ty đều thiếu năng lực cốt lõi trong việc sản xuất chip”, Shah của Counterpoint Research cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng họ phụ thuộc vào công nghệ và tài sản trí tuệ của bên thứ ba. “Thị trường chất bán dẫn tập trung cao độ với một số người chơi đã mất hơn hai thập kỷ để phát triển đến thời điểm này. Trung bình, phải mất hơn hai thập kỷ để đạt được trình độ kỹ năng và quy mô để trở thành một công ty sản xuất chất bán dẫn (fab) thành công”.

(Theo CNBC)

ASML khẳng định không bị tác động do cuộc chiến bán dẫn Mỹ-Trung

ASML khẳng định không bị tác động do cuộc chiến bán dẫn Mỹ-Trung

Mắc kẹt giữa cuộc chiến bán dẫn Mỹ – Trung, công ty sản xuất thiết bị đúc chip hàng đầu thế giới khẳng định không bị tác động đáng kể bởi các hạn chế xuất khẩu, đồng thời nâng triển vọng tăng trưởng trong năm 2023.
Hạn chế xuất khẩu bán dẫn khiến nước Mỹ không còn 'trên dưới đồng lòng'

Hạn chế xuất khẩu bán dẫn khiến nước Mỹ không còn ‘trên dưới đồng lòng’

Hạn chế xuất khẩu công nghệ và bán dẫn nghiêm ngặt nhằm vào Trung Quốc đang khiến chính phủ và doanh nghiệp tại Mỹ ngày càng xa nhau.
Bán dẫn Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc

Bán dẫn Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc

Những lệnh hạn chế công nghệ chưa giúp các doanh nghiệp lớn của Mỹ thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường tỷ dân Trung Quốc.