Hôm nay 11/1/2024, mạng di động ảo (MVNO) của FPT chính thức ra mắt trên phạm vi toàn quốc với đầu số 0775. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo tại Việt Nam, bao gồm Đông Dương Telecom, Mobicast, ASIM, VNSky và FPT Retail.
FPT Retail cho biết, thời gian triển khai hệ thống kỹ thuật cho một nhà mạng MVNO mới thông thường sẽ mất từ 12 đến 15 tháng. Tuy nhiên, với lợi thế về công nghệ và sự hỗ trợ từ tập đoàn FPT, chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi được cấp phép chính thức, FPT Retail đã hoàn tất quá trình đầu tư hệ thống phần cứng cũng như phần mềm để chính thức triển khai và đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất đến khách hàng.
Hướng đến mục tiêu trở thành nhà mạng trẻ trung, năng động và luôn đón đầu công nghệ, mạng di động FPT – MVNO hứa hẹn sẽ mang lại “làn gió mới” cho người dùng trẻ, hiện đại gắn với thông điệp “Turn “On” Amazing Life – Tận hưởng từng khoảnh khắc”.
FPT Retail mong muốn khai thác hiệu quả tập khách hàng hiện có và xây dựng được tập khách hàng trung thành, từ đó tạo nên nguồn doanh thu bền vững. Đồng thời, FPT Retail kỳ vọng sẽ kết hợp được lợi thế của các đơn vị trong cùng tập đoàn để có được hiệu quả cộng hưởng như: Phát triển nhóm khách hàng doanh nghiệp (giải pháp viễn thông dành cho doanh nghiệp), khách hàng hộ gia đình (kết hợp Internet – truyền hình), khách hàng sử dụng các dịch vụ IoT, M2M.
Giữa bối cảnh thị trường bán lẻ đầy khó khăn và biến động, việc triển khai mạng di động ảo (MVNO) là động thái linh hoạt giúp FPT Retail tận dụng và phát huy tối đa các lợi thế sẵn có để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Sở hữu hệ thống hơn 800 cửa hàng FPT Shop trên toàn quốc, mỗi năm, FPT Retail bán ra trên 1,5 triệu smartphone cũng như thiết bị IoT các loại và là đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông di động đến hàng trăm nghìn khách hàng. Do đó, việc triển khai dịch vụ viễn thông sẽ góp phần tăng thêm tiện ích cho khách hàng, là một kênh duy trì kết nối giữa FPT Retail và khách hàng, từ đó tăng tỷ lệ khách hàng quay lại. Điều này cũng giúp hỗ trợ hiệu quả trong chuỗi giá trị của toàn hệ thống.
Mạng di động FPT – MVNO không chỉ mang đến trải nghiệm tiện lợi và hữu ích nhất cho khách hàng, mà còn giúp hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm – dịch vụ của FPT Retail.
Nói về việc triển khai mạng di động FPT, ông Hoàng Trung Kiên, Tổng Giám đốc FPT Retail cho biết: “FPT mong muốn đem đến cho khách hàng dịch vụ viễn thông di động có chất lượng tốt, dịch vụ chuyên nghiệp và luôn đổi mới sáng tạo để cung cấp những trải nghiệm độc đáo, thú vị cho khách hàng, đặc biệt là thế hệ trẻ luôn sống hết mình với đam mê, khám phá và tận hưởng từng khoảnh khắc cuộc sống. Chúng tôi sẽ tích hợp các dịch vụ, tiện ích, nội dung trong hệ sinh thái FPT và các đối tác để khách hàng sử dụng thuận lợi các dịch vụ và khai thác hiệu quả các gói cước đã lựa chọn. Phát huy thế mạnh công nghệ từ Tập đoàn, dịch vụ di động FPT cũng sẽ được ứng dụng những công nghệ tiên tiến như Cloud computing, Chat BOT, AI… để nâng cao năng lực phục vụ và đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng, cũng như tuân thủ các quy định của ngành viễn thông và tiêu chuẩn cho sự phát triển bền vững ESG”.
Nằm trong quy mô và định hướng phát triển toàn diện, FPT Retail kỳ vọng dịch vụ viễn thông do đơn vị triển khai sẽ là một mảnh ghép giúp hoàn thiện hệ sinh thái số của tập đoàn FPT, hướng tới ứng dụng các công nghệ mới như 5G, IoT…
Theo số liệu của Cục Viễn thông, tính đến ngày 30/4/2023, có khoảng 2,65 triệu thuê bao của các nhà mạng ảo tại Việt Nam, chiếm 2,1% tổng số thuê bao toàn thị trường di động.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho hay, nhà mạng ảo (MVNO) hiện không còn là một khái niệm mới. Đây là các doanh nghiệp không sở hữu hạ tầng viễn thông nhưng vẫn cung cấp dịch vụ di động thông qua việc thuê lưu lượng của các nhà mạng.
Nhà mạng ảo hiện chỉ chiếm một lượng nhỏ người dùng, các dịch vụ cung cấp cũng mới chỉ dừng ở mức khiêm tốn, chưa có dịch vụ thực sự tạo ra thế mạnh riêng. Để thúc đẩy sự phát triển, các nhà mạng ảo nên tìm một dịch vụ thực sự mang lại lợi ích cho người dùng. Ví dụ như các dịch vụ về tài chính, học tập hay các dịch vụ liên quan đến thị trường ngách mà nhà mạng lớn không thể chạm đến.
Đây là hướng đi phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và sẽ góp phần thúc đẩy các dịch vụ nội dung phát triển, tạo thêm nhiều dịch vụ viễn thông trên nền Internet băng rộng.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, do không sở hữu hạ tầng, không phải tham gia xin cấp phép tần số, quy định về việc cung cấp dịch vụ đối với các nhà mạng ảo tương đối dễ dàng. Nhà mạng ảo chỉ cần ký hợp đồng mua SIM của các nhà mạng di động khác là đã có thể cung cấp dịch vụ.
Trong quá trình sửa đổi Luật Viễn thông, Cục Viễn thông đã đưa thêm chính sách bán buôn để tạo hành lang pháp lý minh bạch hơn, dễ dàng hơn, giúp các nhà mạng thuận lợi đàm phán trong quá trình mua lưu lượng, từ đó, có thể cung cấp dịch vụ chất lượng tốt với giá thành hấp dẫn.
“Các nhà mạng ảo cần tìm cho mình một thị trường ngách hấp dẫn để duy trì lượng thuê bao ổn định và có mức ARPU (doanh thu trung bình trên mỗi khách hàng) cao so với mức trung bình hiện nay”, ông Nhã nhận định.