Nếu như 3 tháng trước các nhà nghiên cứu tại ba trường đại học Úc là Monash, Swinburne và RMIT đã đạt được kỷ lục tốc độ internet mới là 44,2 Terabit/giây với hệ thống cơ sở hạ tầng cáp quang hiện giờ, thì những kỹ sư của Anh và Nhật Bản đã đạt được kỷ lục mới, 178 Terabit/giây, nghĩa là mỗi giây tải được 22,25 TB dữ liệu!
Con số này nhanh hơn 17.800 lần so với tốc độ internet nhanh nhất phục vụ mục đích tiêu dùng là 10 Gbps ở những quốc gia như Mỹ, New Zealand và Nhật Bản. Ngay cả đường truyền Esnet tốc độ 400 Gb/s của NASA vẫn không thể so sánh được với tốc độ internet như thế này, mà các kỹ sư đạt được tốc độ 178 Tbps cũng chỉ nhờ những cải tiến trong việc truyền dẫn dữ liệu thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng cáp quang mà con người đang sử dụng hàng ngày.
Để làm được điều này, các kỹ sư tại Đại học London, Xtera và KDDI Research đã phải tìm ra phương pháp mới để truyền tải cùng lúc nhiều dữ liệu hơn. Hầu hết hệ thống cáp quang hiện giờ có băng thông 4.5 THz, nhiều công nghệ mới cho phép chúng chạm ngưỡng 9 THz, nhưng hệ thống mới của các kỹ sư Anh và Nhật đạt băng thông 16.8 THz. Họ đã phải nghiên cứu độ sáng và mức độ phân cực của mỗi dải sóng ánh sáng, qua đó nhồi nhét được nhiều dữ liệu hơn trong khi các dải sóng không giao thoa với nhau. Những công nghệ khuếch đại tín hiệu ánh sáng hiện tại đã được kết hợp để đạt được điều này.
Có lẽ đáng chú ý hơn cả là kỷ lục tốc độ internet mới được thực hiện ngay trên hệ thống cáp quang hiện có, và nhờ đó công nghệ này có thể được ứng dụng vào cơ sở hạ tầng rất nhanh và chi phí thấp. Thay vì thay thế hàng trăm km cáp quang công nghệ mới, thì các nhà cung cấp dịch vụ internet chỉ cần nâng cấp bộ khuếch đại tín hiệu mà thôi.
Theo New Atlas