Doanh nghiệp lớn chuyển đổi sang hệ thống Cloud
Cuối năm 2023, Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam – VNCDC đã công bố báo cáo về thị trường dịch vụ Cloud tại Việt Nam. Theo báo cáo, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là nhu cầu sử dụng dịch vụ Cloud tại Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến.
Năm 2022, sau khi giãn cách xã hội được dỡ bỏ, các tổ chức và doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ số để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, làm tăng mạnh nhu cầu sử dụng dịch vụ Cloud trong nước, khiến quy mô thị trường tăng lên 9.700 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2021.
Tuy nhiên, sang năm 2023, tăng trưởng của thị trường Cloud đã chậm lại, phần lớn do suy thoái kinh tế dẫn tới áp lực cắt giảm, tối ưu chi phí. Dù vậy, thị trường Cloud Việt Nam ước tính vẫn tăng trưởng 24,2% trong năm 2023.
Đáng chú ý, rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp lớn đã thành công trong việc chuyển đổi sang hệ thống Cloud như Vietnam Airlines, Sở TT&TT Huế…
Một ví dụ điển hình là hãng hàng không Vietnam Airlines sử dụng hơn 200 hệ thống phần mềm, hàng trăm máy chủ, đáp ứng trung bình hơn 140.000 chuyến bay, hơn 20 triệu lượt khách và hàng triệu hội viên “Bông sen vàng” mỗi năm. Cùng với việc đặt mục tiêu trở thành hãng hàng không số vào năm 2025, Vietnam Airlines xác định chuyển đổi số để gia tăng trải nghiệm khách hàng trong suốt hành trình, như vậy, việc chuyển dịch lên nền tảng điện toán đám mây là điều bắt buộc.
Khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ Cloud cho mình, các đơn vị trên đã đặt niềm tin vào giải pháp của doanh nghiệp trong nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ TT&TT, và Chính phủ, về việc Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, sẽ đóng góp lớn vào việc tạo thị trường cho các sản phẩm công nghệ Make in Việt Nam cho các doanh nghiệp công nghệ Việt.
Thực tế, việc đi vào hiệu lực của Nghị số 53/2022 hướng dẫn chi tiết về nội địa hóa dữ liệu tại Việt Nam, cũng góp phần giúp các công ty và tổ chức trong nước chuyển đổi và lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ Cloud Việt Nam. Bởi theo Nghị định số 53/2022, doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam phải thực hiện lưu trữ dữ liệu nội địa hóa tại Việt Nam.
Trong chiến lược xây dựng hạ tầng số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% cơ quan chính phủ sử dụng điện toán đám mây, 70% doanh nghiệp Việt sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do các đơn vị trong nước cung cấp.
“Muốn có các doanh nghiệp công nghệ thì việc tạo ra thị trường có lẽ là quan trọng nhất. Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia, nếu Chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu, để sinh ra các công ty công nghệ. Chuyển đổi số quốc gia diễn ra nhanh và trên phạm vi toàn quốc, trong mọi lĩnh vực, từ doanh nghiệp tới Chính phủ và xã hội, cũng tạo ra thị trường vô cùng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng nói.
Thị phần của dịch vụ Cloud Việt Nam đang tăng lên
Ba năm trước, thị phần dịch vụ Cloud tại Việt Nam có tới 80% thuộc về các tập đoàn nước ngoài, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 20%. Thế nhưng, sự tin tưởng đối với nhà cung cấp dịch vụ Cloud Việt Nam đã tăng lên.
Theo báo cáo của VNCDC, tỷ lệ thị phần giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nội địa hiện nay là 77,8% và 22,2%. Như vậy, so với năm 2021, thị phần của các nhà cung cấp Việt đã tăng 2,2%.
Theo nhóm tác giả báo cáo, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Cloud nội địa đã đáp ứng kịp thời nhu cầu gia tăng, đưa mức doanh thu đạt được từ 900 tỷ đồng vào năm 2021 lên 2.362 tỷ đồng vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 37,4%.
Những nhà cung cấp dịch vụ lớn đang xây dựng nền tảng Cloud Make in Vietnam có thể kể đến Viettel với sản phẩm Viettel Cloud, CMC Telecom với CMC Cloud, FPT với FPT Smart Cloud… Các doanh nghiệp đều đang nỗ lực đẩy rất mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển các sản phẩm dịch vụ Cloud, cũng như truyền thông mạnh mẽ để thu hút sự quan tâm của công chúng và khách hàng về Cloud.
Ví dụ như tại Viettel Solutions, đứng trước thách thức rằng các nền tảng Cloud toàn cầu có nhiều lợi thế về nghiên cứu phát triển và sáng tạo, đi đầu và dẫn dắt xu thế, lợi thế về quy mô, sự hình thành đa dạng tiện ích cho khách hàng như một hệ sinh thái, doanh nghiệp này đã nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm thế giới, phát triển sản phẩm Viettel Cloud dựa trên nền tảng mã nguồn mở Openstack, cung cấp cho khách hàng giải pháp cơ sở hạ tầng đám mây mạnh mẽ, linh hoạt, có thể tùy chỉnh, đáp ứng theo từng nhu cầu cụ thể của khách hàng trong khi vẫn đảm bảo tuyệt đối quyền kiểm soát và bảo mật.
Viettel Cloud không chỉ đáp ứng việc xây dựng Private Cloud & Hybrid Cloud theo công văn 1145/BTTTT-CATTT (về hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử), đáp ứng Nghị định 13/2023/NĐ-CP (bảo mật dữ liệu cá nhân),… mà còn đáp ứng đối tượng khách hàng đa dạng: Viettel Cloud có năng lực đáp ứng hoàn toàn các nhu cầu của các khách hàng bộ ngành, chính quyền, các nhà cung cấp và tổ chức, doanh nghiệp lớn khối tài chính, logistic,… có yêu cầu riêng biệt về tính năng sản phẩm.
Sản phẩm Viettel Cloud do Viettel Solutions nghiên cứu và phát triển còn đưa ra mức giá hấp dẫn nhất thị trường, giúp khách hàng của Viettel tiết kiệm lên tới 70% chi phí so với thông thường. Trong khi đó, khả năng mở rộng là không giới hạn, đáp ứng mọi yêu cầu sử dụng của khách hàng. Thêm vào đó, với giao diện thân thiện, trực quan được thiết kế và phát triển phù hợp với thói quen của người dùng Việt Nam.
Với những nỗ lực của các doanh nghiệp lớn như Viettel, hay CMC, FPT, VNPT, các chuyên gia kỳ vọng doanh nghiệp sẽ từng bước vượt qua các thách thức, gỡ bỏ những nút thắt để nhà cung cấp hạ tầng trong nước không còn “lép vế” trước các ông lớn công nghệ nước ngoài.
“Chúng tôi tin rằng mỗi doanh nghiệp sẽ có một chiến lược phù hợp để từng bước chiếm lĩnh thị phần, và ít nhiều cạnh tranh với các nền tảng toàn cầu”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam nói.