Hàng trăm tài năng công nghệ trẻ tụ họp tại California trong một cuộc thi hackathon kéo dài hai ngày. Song, thay vì phát triển ứng dụng di động hay chatbot AI, họ thi tài xâm nhập công cụ do thám, hệ thống tác chiến điện tử hay các giải pháp chống máy bay không người lái (drone/UAV) có thể sử dụng trong cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Trong nhiều năm, giới công nghệ luôn phản ứng mạnh mẽ với những start-up phát triển vũ khí chết chóc. Hàng nghìn nhân viên Google đã biểu tình yêu cầu công ty chấm dứt thoả thuận mà gã khổng lồ tìm kiếm ký kết với Lầu Năm Góc về việc phát triển drone AI.
Các cuộc điều đình lan sang cả thời Tổng thống Trump, với kế hoạch bán thiết bị đeo thực tế tăng cường cho quân đội Mỹ hay công cụ nhận diện khuôn mặt cho cơ quan nhập cảnh biên giới phía Nam.
Song, công nghệ quân sự đang là một trong những lĩnh vực hút tiền hàng đầu hiện nay. Theo hãng dữ liệu PitchBook, trong giai đoạn 2021 đến 2023, các nhà đầu tư đã đổ hơn 108 tỷ USD vào những tập đoàn quốc phòng, phát triển hàng loạt loại vũ khí, từ tên lửa siêu thanh, thiết bị đeo hỗ trợ tác chiến cho đến hệ thống giám sát vệ tinh. Ước tính, đến năm 2027, thị trường này sẽ vượt 184 tỷ USD.
Sự “cởi mở” của giới trẻ
Theo Rasmus Dey Meyer, thành viên ban tổ chức tại Đại học Ngoại vụ Georgetown, sự hoài nghi với công nghiệp quốc phòng đã mờ nhạt khi thế hệ trẻ ngày nay lớn lên trong tiếng bom đạn từ những cuộc xung đột khắp nơi trên thế giới.
Đến thời điểm hiện tại, theo mạng lưới các nhà đầu tư quốc phòng (DIN), ở Mỹ đã xuất hiện thêm hàng chục quỹ đầu tư cho các lĩnh vực như công nghệ quân sự, công nghệ sâu, công nghệ cứng và công nghệ không gian.
Phần lớn các quỹ đều gắn với những thương hiệu của những nhà thầu quốc phòng đình đám như American Dynamism Fund (của Andreessen Horowitz), Global Resilience Fund (General Catalyst) hay Shield Capital. Tuần trước, vườn ươm công nghệ Y Combinator cũng thông báo thành lập quỹ mới dành cho lĩnh vực quân sự, không gian và robot.
Vào thời điểm 2014, chỉ có một công ty công nghệ được bán cho Bộ Quốc phòng Mỹ, thì đến năm 2024, con số các doanh nghiệp phát triển công nghệ quân sự đã lên tới hàng chục, trong đó ít nhất có 7 “kỳ lân” có vốn hoá trên 1 tỷ USD.
Sự thay đổi bên trong Silicon vẫn thuộc chu kỳ phát triển không ngừng của lĩnh vực công nghệ, giữa bối cảnh các đe doạ về kinh tế và địa chính trị ngày càng hiện hữu. Lãi suất tăng cao, sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu và tốc độ hiện đại hoá quân sự nhanh chóng của Trung Quốc dẫn đến những lo sợ về việc cả nước Mỹ nói chung và ngành công nghiệp nói riêng, trở nên dễ bị tổn thương.
“Bánh xe lịch sử đã tiếp tục. Chúng tôi hiểu rằng mình đang bước vào một thời kỳ hỗn loạn mới”, Katherine Boyle, đối tác tại Andreessen Horowitz phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư quốc phòng hồi tháng 11/2023.
Tổ hợp công nghệ công nghiệp quốc phòng
Cuộc chiến đang diễn ra tại châu Âu đã khiến Lầu Năm Góc phải giảm nhẹ các quy định đấu thầu rối rắm, cho phép các công ty khởi nghiệp có nhiều cơ hội tham gia lĩnh vực này hơn, chẳng hạn như sáng kiến về khoản vay liên bang khuyến khích phát triển công nghệ thiết yếu đối với an ninh quốc gia.
Mối liên hệ giữa công nghệ quân sự và thung lũng Silicon đã bắt đầu từ những năm 1950 khi các cơ quan quốc phòng, tình báo đổ tiền vào máy tính lớn (mainframe) và vi xử lý.
Sau khi cuộc xung đột tại châu Âu nổ ra, Lầu Năm Góc đã bổ nhiệm Doug Beck – phó tướng của CEO Apple Tim Cook làm giám đốc đơn vị đổi mới quốc phòng (DIU) – một đơn vị có chức năng ứng dụng công nghệ thương mại vào trong quân sự và báo cáo trực tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Tháng 8/2023, nước này tiếp tục công bố chương trình Replicator với mục tiêu triển khai hàng ngàn drone trong vòng hai năm.
Mặc dù một số cuộc chiến, chẳng hạn như Israel tại dải Gaza cũng khiến các nhân viên công nghệ chia rẽ, khi hơn 500 kỹ sư Google đã phản đối hợp đồng 1,2 tỷ USD mà công ty này ký kết với chính phủ quốc gia Do Thái hồi tháng 12 năm ngoái. Song, thông điệp từ tầng lớp cao nhất ở D.C và thung lũng Silicon vẫn đem đến cái nhìn lạc quan.
“Chúng tôi tin rằng mọi vấn đề đều có giải pháp kỹ thuật”, Jack Murphy, một cựu binh đơn vị đặc nhiệm Mỹ cho hay. “Liệu chúng ta có đang không nhận thức được những gì AI có thể tạo ra trên chiến trường?”.