Nếu hướng dẫn bạn làm quen với ngôn ngữ lập trình PHP mà không nói sơ qua về thân phận của em nó thì quả thật thiếu sót, nhỉ? PHP thì đại loại là chữ viết tắt của PHP: Hypertext Preprocessor, là một ngôn ngữ lập trình kịch bản trên môi trường website giúp nó giao tiếp dữ liệu với máy chủ (các ngôn ngữ giao tiếp với máy chủ gọi chung là Server-side languages).
Bạn thử hình dung thế này, một website tĩnh được làm hoàn toàn bằng HTML và CSS chỉ có thể hiển thị các văn bản mà bạn đã khai báo trong tập tin HTML, nó không thể tự thân thay đổi nên gọi là website tĩnh. Nhưng nếu chúng ta nhúng thêm PHP vào, nó sẽ trở thành website động ví dụ như bạn có thể lưu các dữ liệu về bài viết trong cơ sở dữ liệu (database) trên máy chủ, sau đó sử dụng PHP để lôi nó ra hiển thị ngoài website tự động mà không cần sửa tập tin HTML liên tục.
Như mình nói ở trên, PHP sẽ xử lý các dữ liệu trên máy chủ để đưa về cho người dùng tiếp nhận nó. Khi sử dụng WordPress, bạn sẽ có thể đăng bài viết, tạo các người dùng, thay đổi thiết lập,…và các chức năng đó WordPress sử dụng ngôn ngữ PHP để xử lý dữ liệu mà các dữ liệu đó được lưu vào cơ sở dữ liệu trên máy chủ.
Như vậy nhìn chung, một website WordPress nói riêng và các website PHP & MySQL sẽ được xử lý như sau:
Người dùng truy cập website >> webserver tiếp nhận truy vấn truy cập của người dùng >> PHP xử lý kịch bản được lập trình sẵn trong website và gửi đến MySQL >> MySQL xử lý truy vấn để lấy dữ liệu tương ứng >> trả về cho PHP kiểm tra >> PHP trả dữ liệu bằng định dạng HTML ra ngoài trình duyệt người dùng.
Như vậy, khi chúng ta học PHP có nghĩa là chúng ta học cách viết kịch bản xử lý dữ liệu dành cho PHP để nó xử lý trên môi trường website. Chẳng hạn bạn có thể sử dụng PHP để giao tiếp với các chức năng trong WordPress và chỉ thị nó làm việc theo ý muốn, tuỳ biến lại một kịch bản được cố định sẵn,…
Khi chúng ta viết một ứng dụng PHP, thì chúng ta phải cần cài đặt phần mềm hỗ trợ xử lý mã PHP trên môi trường cần chạy ứng dụng. Bạn có thể thấy các Shared Host cho WordPress hay localhost đều có sẵn phần mềm PHP vốn là để cho nó có thể xử lý các đoạn mã PHP có trong mã nguồn WordPress hoặc ứng dụng của chúng ta.
Nếu bạn có một máy chủ, bạn có thể thử cài đặt PHP lên và xem nó hoạt động ra sao nhé. Tuy nhiên thì ở serie này chúng ta không cần làm việc này vì Cloud9 đã có sẵn tất cả và chúng ta đã cài đặt một website WordPress ở đó rồi mà.
Thật sự thì trong bài này mình không muốn giải thích quá dài dòng vì mình vẫn luôn muốn cố gắng tóm lượt lại mọi thứ cho gọn gàng nhất, nên những gì mình viết ở trên khá quan trọng mà mình cần các bạn hiểu qua trước khi “nhập môn” với ngôn ngữ PHP.
Bạn đã sẵn sàng chưa? Chúng ta sẽ bắt đầu làm việc với PHP ở bài sau nhé.