Mặc dù không thể phủ nhận rằng kể từ khi có sự phát triển của Facebook, hình thức làm forum thảo luận đã không còn hot như xưa vì bây giờ người ta có thể đổi qua sử dụng Facebook Group, vừa đơn giản để tham gia, mà vừa phù hợp với thời đại khi người dùng Facebook ngày càng đông lên.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn có một số forum phát triển khá mạnh vào sự đầu tư và phát triển đúng đắn như Vietdesigner, DDTH, Voz,…và đôi lúc, forum là một công cụ tuyệt vời để có một nguồn truy cập khá lớn vào website, tạo ra doanh thu không nhỏ vì nó có sự tương tác giữa người dùng.
Thậm chí đối với các blogger, việc tạo một forum ngay trên blog của họ cũng có thể làm góp phần kiếm thêm độc giả trung thành và tạo ra một môi trường giao lưu mở hơn. Các thành viên tham gia vô tình sẽ giúp họ xây dựng nội dung tốt, tạo ra những lượt truy cập chất lượng từ máy tìm kiếm.
Tất nhiên là làm forum có rất nhiều nhược điểm, tùy theo cách nghĩ mỗi người thì các nhược điểm đó có thể sẽ khác nhau. Nên ở đây mình chỉ kể ra các lợi ích cốt lõi mà có thể bạn sẽ nhận được khi làm forum.
Mình không có ý nói rằng các lợi ích phía dưới bạn sẽ có ngay khi làm forum, mà nó chỉ xảy ra khi bạn tập trung cố gắng phát triển nó.
Bạn đã từng tham gia Voz chưa? Đã có biết bao nhiêu topic làm mưa làm gió do các thành viên và thu lại một lượng truy cập khổng lồ, hoặc các bài nhờ vả PTS bên Vietdesigner cũng là một nguồn giải trí thú vị đối với một số người như mình chẳng hạn.
Do tính tương tác mở đặc thù của forum, nó sẽ có thêm nhiều cơ hội cho các thành viên của bạn đóng góp nội dung và tạo ra những nội dung độc nhất vô nhị (Unique Content), vô tình giúp bạn có thứ hạng tốt hơn ở Google khi càng ngày nó càng quan trọng hóa nội dung. Các đặc điểm này bạn sẽ không bao giờ có với blog.
Các độc giả có thể quay lại thường xuyên với blog của bạn và đọc bài hoặc gửi bình luận để tạo chiều sâu cho bài viết. Nhưng nếu nói về việc giữ chân độc giả, phải công nhận là forum làm tốt hơn blog trong vấn đề này.
Ở forum, họ được quyền tự mở đề tài thảo luận, hoặc chí ít hơn là dễ có tiếng nói của mình hơn, do đó các forum thường có tỷ lệ quay lại cao hơn so với một blog bình thường.
Đặc điểm của forum là để tương tác giữa các thành viên với nhau, do đó nếu bạn có ý định làm một trang membership (đóng tiền gia nhập hội viên) thì Forum vẫn tốt hơn cả vì nó có cơ chế phân quyền tốt hơn, dễ quản lý hơn và tiết kiệm thời gian khi triển khai thay vì dùng các plugin membership phức tạp như S2Member.
Sau nhiều ngày tìm kiếm và thăm dò ý kiến ở nhiều nơi khác nhau, mình được biết rằng hiện nay mã nguồn phpBB là tích hợp với WordPress tốt hơn cả so với các mã nguồn làm forum khác như vBulletin hoặc Xenforo. Theo cảm nhận của mình, phpBB có sự bảo mật tốt hơn và nhiều cộng đồng mở hỗ trợ vì nó là một mã nguồn mở. Còn nếu bạn muốn đi theo xu hướng tại Việt Nam hiện nay thì có thể sử dụng Xenforo nhưng việc tích hợp Xenforo vào WordPress là chưa có câu hỏi trả lời.
Hơn nữa với sự nhẹ nhàng nhưng linh hoạt, phpBB là một lựa chọn tốt nếu bạn không muốn phải tậu một máy chủ thật mạnh để duy trì một forum bằng mã nguồn nặng nề như vBulletin.
Cũng có một số tranh cãi nói rằng, nếu sử dụng một mã nguồn forum bên ngoài thì có thể đưa Vanilla Forums và phpBB lên bàn cân nhưng có lẽ tại Việt Nam, cái tên Vanilla Forums còn quá xa lạ so với phpBB nên ở đây mình ưu tiên mọi người dùng phpBB để thử nghiệm.
Vậy làm sao để tích hợp phpBB và WordPress? Mình đã tiến hành thử plugin WP-United và thấy nó hoạt động rất tốt trong việc tích hợp giữa phpBB và WordPress. Nó sẽ đồng bộ database của 2 bên lại với nhau, thành viên ở phpBB có thể login vào WordPress để gửi bình luận hoặc đăng bài, các bài đăng ở phpBB sẽ được tự động đưa ra trang WordPress và nhiều chức năng khác để tích hợp. Ngoài ra bạn có thể xem thêm tag phpBB ở WordPress để tìm nhiều plugin khác trong việc đồng bộ giữa phpBB và WordPress.
Nhược điểm
Việc tích hợp một mã nguồn thứ 3 vào WordPress có thể có ưu điểm là bạn phát huy tối đa sức mạnh của mã nguồn đó, vì phpBB được sinh ra là để làm forum nên nó chắc chắn sẽ tốt hơn so với việc bạn dùng các plugin can thiệp thẳng vào WordPress để làm forum. Nhưng nhược điểm là bạn sẽ tốn nhiều tài nguyên host hơn, phải quản lý cả 2 mã nguồn và nhất là phải linh hoạt trong vấn đề vá lỗi vì không ai chắc chắn sau này khi cập nhật, nó có hoạt động tốt hay không.
Giải pháp này có thể là gọn nhẹ nhất vì bạn không cần phải cài thêm một mã nguồn độc lập nữa. Nhưng nhược điểm là database của
WordPress sẽ phình to ra và khó quản lý hơn, và nó không nhiều chức năng như mã nguồn thông dụng. Nếu bạn muốn dùng giải pháp này thì thử các plugin sau:
1. bbPress
Đây là plugin tạo forum do chính Automattic làm ra, nhiệm vụ đơn giản của nó là tạo ra một cái forum và người dùng đăng ký trên WordPress có thể đăng nhập và gửi bài lên đó. Đây cũng chính là plugin mà hiện tại trang WordPress Forum và rất nhiều trang đang sử dụng, xem danh sách các website nổi bật đang dùng bbPress tại đây.
Nhưng hãy nên nhớ rằng nếu bạn muốn forum của bạn đẹp mắt, gọn gàng thì phải chắc chắn là theme của bạn có hỗ trợ CSS hiển thị cho bbPress, bạn có thể tìm các theme miễn phí cho bbPress tại đây hoặc trả phí tại đây.
Plugin hỗ trợ cho bbPress cũng rất nhiều, chỉ cần vào thư viện WordPress Plugins và gõ bbPress ra là có vô số lựa chọn.
2. WP Symposium
Trong khi bbPress chỉ có một công việc chính là tạo một cái forum đơn giản thì WP Symposium có thể giúp bạn làm được nhiều việc hơn, nó có thể giúp bạn tạo được một mạng xã hội mini với đủ tính năng như tạo nhóm, tạo cấp bậc, hỗ trợ chat, email, inbox và nhiều chức năng khác nữa. Hiện tại nó hỗ trợ cả hai loại miễn phí và trả phí, dĩ nhiên là bản trả phí sẽ có thêm nhiều tính năng độc đáo hơn để bạn có một forum chuyên nghiệp nhất có thể.
3. DW Question & Answer
Có rất nhiều mục đích làm forum là nơi để hỗ trợ khách hàng, giải đáp thắc mắc thành viên. Nếu bạn đang có ý định đó thì hãy thử ngay plugin DW Question & Answer thuộc loại “Made in Vietnam” này nhé. Nó là một plugin tuy nhỏ gọn nhưng khá tốt để sử dụng, có đủ các tính năng cơ bản nhất dành cho một website chuyên vào FAQ. Bạn có thể xem demo tại đây.
Bạn đang sử dụng giải pháp nào để làm forum? Và bạn có bao giờ tích hợp một forum vào WordPress chưa và nó hoạt động có tốt không? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về vấn đề này vì nó sẽ giúp ích rất nhiều người cần tìm ý kiến đánh giá để quyết định chọn giải pháp nào là hợp lý.