Chính quyền Tổng thống J.Biden đang thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận các loại chip tiên tiến sử dụng trong AI và quân sự. Đáp trả, Bắc Kinh đổ hàng tỷ USD vào các nhà máy sản xuất bán dẫn không nằm trong danh mục cấm vận.
Điều đáng chú ý – những con chip như vậy vẫn rất cần thiết trong nền kinh tế toàn cầu, là thành phần quan trọng cho mọi thứ, từ điện thoại thông minh, xe điện cho đến phần cứng quân sự.
Động thái này làm dấy lên những lo ngại mới về ảnh hưởng tiềm tàng của Trung Quốc và kích hoạt những cuộc thảo luận xem xét áp đặt cấm vận mạnh tay hơn nữa đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nguồn tin Bloomberg cho hay, Mỹ quyết tâm ngăn chặn Trung Quốc sử dụng chip làm “đòn bẩy” trong cạnh tranh địa chính trị giữa hai gã khổng lồ.
“Số tiền mà Trung Quốc đang trợ cấp mở rộng công suất sản xuất những con chip lớn (mature-node) và phổ biến (legacy-chip) là vấn đề chúng ta cần xem xét và hợp tác với các đồng minh để đón đầu”, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo phát biểu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể bán phá giá những mẫu chip đời cũ trong thời gian tới trên thị trường, đẩy các công ty phương Tây lệ thuộc nhiều hơn vào đại lục với loại bán dẫn này.
Tầm quan trọng của những “legacy-chip” đã được minh chứng qua cú sốc nguồn cung làm chao đảo các công ty trong giai đoạn đỉnh điểm Covid-19, trong đó có các nhà sản xuất ô tô và cả Apple – công ty vốn hoá lớn nhất thế giới thời điểm hiện tại. Tình trạng thiếu chip khiến các doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm tỷ USD.
Các thành phần bán dẫn đơn giản này, chẳng hạn như mạch quản lý năng lượng, rất cần thiết cho các sản phẩm như điện thoại thông minh giá rẻ và xe điện, cũng như các thiết bị quân sự như tên lửa và radar.
Rủi ro với thị trường
Các hạn chế kiểm soát xuất khẩu Mỹ đưa ra vào tháng 10/2022 đã làm chậm quá trình phát triển năng lực sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc, nhưng chúng không tác động nhiều đến khả năng sử dụng các công nghệ cũ hơn 14 nm của nước này.
Trong khi đó, Washington và châu Âu cũng cố gắng thúc đẩy sản xuất chip nội địa để giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn cung ở châu Á. Song, các nhà sản xuất bán dẫn phương Tây sẽ phải cạnh tranh với những nhà máy được trợ giá mạnh mẽ của Trung Quốc.
Các khoản đầu tư lớn cho phép các công ty Trung Quốc tiếp tục trở thành nguồn cung chip cho phương Tây, bất chấp căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong năm 2022, mặc dù đang trong danh sách đen, 20% doanh số bán hàng của SMIC, công ty chip lớn nhất Trung Quốc, đến từ các đối tác có trụ sở tại Mỹ, gồm cả Qualcomm.
Trung Quốc đang xây dựng những cơ sở sản xuất chip công nghệ cũ với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Theo ước tính của Hiệp hội vi điện tử SEMI, Bắc Kinh sẽ xây dựng thêm 26 nhà máy mới vào năm 2026, sử dụng các tấm wafer 200 mm đến 300 mm, trong khi cả châu Mỹ chỉ xây được khoảng 16 xưởng.
“Các chất bán dẫn trung cấp và lớn có nhiều điểm hấp dẫn, bao gồm điện khí hoá phương tiện di động, quá trình chuyển đổi năng lượng, IoT trong không gian công nghiệp, triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ pin…”, Peter Winnink, giám đốc điều hành công ty sản xuất thiết bị đúc chip ASML nói. “Và đó cũng là các lĩnh vực Trung Quốc đang dẫn đầu mà không có đối thủ”.
(Theo Bloomberg)
Bán dẫn Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc
‘Nấc thang mới’ trong cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung